Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm “thuốc giải” cho nhiều vấn đề nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra từ 9 - 11/10 tại thủ đô Lima (Peru), các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới đã tập trung thảo luận về xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, giải pháp tận thu thuế cũng như vấn đề nóng hiện nay là khủng hoảng di cư.

Việc chọn Peru là nơi tổ chức hội nghị thường niên năm nay cho thấy, IMF và WB đều coi đây là cơ hội cải thiện quan hệ với các nước ở khu vực Trung - Nam Mỹ. Nhiều quốc gia trong khu vực coi WB và IMF là công cụ chịu ảnh hưởng lớn từ Washington và không “tâm phục khẩu phục” với những quyết sách của 2 định chế tài chính này. Có thể thấy, IMF và WB không còn giữ vị trí “độc tôn” như cách đây hơn một thập kỷ với sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của nhóm BRICS hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, làm đối trọng.

Chìa khóa để xóa đói giảm nghèo

Tại hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết, lần đầu tiên trên thế giới, tỷ lệ dân số cực nghèo sẽ giảm xuống dưới mức 15% trong năm 2015, tuy nhiên, WB vẫn kỳ vọng con số này sẽ về mức 0 trong vòng 15 năm tới. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch Kim cho rằng, việc quan trọng là tìm ra những giải pháp chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu các thảm họa thiên nhiên đẩy những người cùng cực này vào cảnh túng quẫn hơn.
Quan chức cấp cao WB và IMF dành nhiều thời gian để bàn thảo về các vấn đề nóng của kinh tế toàn cầu.
Quan chức cấp cao WB và IMF dành nhiều thời gian để bàn thảo về các vấn đề nóng của kinh tế toàn cầu.
Cũng trong phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức 3,1%, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 3,3%. Nguyên nhân là do sự bất ổn toàn cầu, trong đó bao gồm sự các điều chỉnh chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Sự dịch chuyển của nền kinh tế Trung Quốc tiến tới mô hình phát triển kiểu mới, thể hiện qua một loạt động thái phá giá tiền tệ và vực dậy thị trường chứng khoán gần đây; cũng như những biến chuyển trong chính sách tiền tệ của Mỹ là hai con tạo tác động lớn nhất tới kinh tế toàn cầu.

Không còn “thiên đường trốn thuế”

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 đã thông qua kế hoạch "Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS), ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận đến các nước có yêu cầu đóng thuế thấp hơn. Việc lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống thuế toàn cầu và quốc nội đã cho phép các tập đoàn như Google và Starbucks… “né” được 100 - 240 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Kế hoạch trên buộc các “ông lớn” này phải báo cáo đầy đủ về hoạt động kinh doanh với cơ quan thuế tại các nước đặt trụ sở hoặc chi nhánh và phải đóng thuế tại từng nước. Tuy nhiên, BEPS sẽ không ảnh hưởng đến những ưu đãi giảm thuế của chính phủ mỗi nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài mà chỉ nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế.

Khủng hoảng di cư

Bên lề hội nghị thường niên này, quan chức Liên Hợp quốc (LHQ) và WB cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư và tái thiết sau các cuộc xung đột. Số tiền cụ thể chưa được đề cập, tuy nhiên, hai bên nhận định, sáng kiến này sẽ giúp tăng cường nguồn lực giải quyết những thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn nhân đạo mà xung đột tại Syria, Iraq, Yemen và các nước khác đang gây ra cho khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Trong một phát biểu có phần lạc quan, Chủ tịch WB cho rằng người di cư có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, một khi có những chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực lao động này, nhất là tại các quốc gia có dân số già.