Ngâm Kiều liên tục 10 tiếngXưa, ngâm Kiều phổ biến như “Truyện Kiều”. Ngâm Kiều như câu cửa miệng của ông bà ta, nó hiện hữu bất cứ lúc nào, dù vui hay buồn, lúc ru con, cháu ngủ, hay dạy dỗ trẻ con, khuyên răn con người ta một điều gì đó, chiêm nghiệm cuộc đời, hoặc đơn thuần là để có phút giây thư thái sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ nằm trong một tác phẩm. Trong khi ngâm Kiều với tư cách một thể loại, một lối hát riêng được sinh ra từ “Truyện Kiều” gần như không còn được nhắc tới trong đời sống tinh thần.Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đã ấp ủ dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” từ nhiều năm trước, nhưng vấn đề kinh phí để vận hành dự án lại nằm ngoài khả năng cá nhân của anh. Đến năm 2021, khi Nguyễn Quang Long chia sẻ với một thành viên quỹ Thiện Tâm, bất ngờ anh được khuyến khích gửi hồ sơ dự án đến quỹ. Những người điều hành quỹ đã quyết định hỗ trợ một phần cho dự án này. Tuy phần hỗ trợ không lớn, nhưng là điểm khởi đầu đầy động lực để nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cùng các cộng sự thêm quyết tâm. Cho tới thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu "Truyện Kiều" hoàn toàn theo đúng lối ngâm. Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm có tổng thời lượng là 561 phút, tương đương khoảng gần 10 tiếng âm thanh đã được hoàn thành. Giữ trọn vẹn câu chữTrong thời gian kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, có rất nhiều tác phẩm tôn vinh áng văn chương bất hủ - "Truyện Kiều" nhiều lĩnh vực như điện ảnh, ballet, hội họa, thư pháp. Nhưng, “Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án gần gũi và giữ trọn vẹn tinh thần, câu chữ của Nguyễn Du nhất. Để làm được điều này, NSND Thanh Hoài cho biết, quá trình thực hiện “Ngâm Kiều toàn truyện” hết sức vất vả, phải thu lại, chỉnh sửa âm thanh nhiều lần mới có thể trình diện công chúng. Lần đầu ngâm, nghệ sĩ ở trong phòng thu đến nửa đêm mới về. Tuy nhiên, do gặp sự cố kỹ thuật, ê kíp yêu cầu bà thu lại. NSND Thanh Hoài sau đó phải thu trong hai ngày, từ sáng sớm đến tối khuya mới hoàn thành. “Tôi tuổi cao rồi, nhiều lúc tưởng như không chịu đựng được. Nhưng nhìn các nghệ sĩ trẻ nhiệt huyết, mình cũng phải góp chút sức” – NSND Thanh Hoài chia sẻ. Nghệ sĩ Thanh Hoài ngâm tổng cộng hơn 84 phút 43 giây, được chia làm hai phần: “Kiều thăm mộ Đạm Tiên”, “Kiều và Kim Trọng đoàn tụ”.Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết thêm, khi thực hiện dự án này, nhóm của anh chấp nhận rằng lối ngâm ngợi có thể không phù hợp với thị hiếu của các bạn trẻ. Tuy nhiên, ê kíp nhắm tới việc hồi sinh lối hát Kiều này để mọi người hình dung sự độc đáo của nghệ thuật xưa. “Chỉ với một tác phẩm văn học thôi nhưng mà đã sáng tạo ra một lối hát, một thể loại âm nhạc riêng. Vì câu Kiều có giá trị hun đúc, làm đẹp đời sống tinh thần của người Việt chúng ta và góp phần hình thành nên nhân cách, tính cách của một con người trưởng thành trong tương lai” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho hay.Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện, mỗi chương có độ dài từ khoảng trên 30 phút cho tới 100 phút. Các chương này sẽ được lần lượt giới thiệu vào 20 giờ các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1/4 đến ngày 24/4 trên kênh YouTube “Dân ca và nhạc cổ truyền” do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập nhằm giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.
Điểm hay của "Ngâm Kiều toàn truyện" chính là việc các nghệ sĩ trong ê kíp hoàn toàn tôn trọng cụ Nguyễn Du, tôn trọng nguyên tác "Truyện Kiều", không sửa đổi bất kỳ từ ngữ nào. Dù vậy, thông qua cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ đương đại bằng cách thể hiện, vẫn có thể truyền tải được "Truyện Kiều" một cách mới mẻ, mang tính thời đại nhưng vẫn rất truyền thống. Đây là điều tôi rất khâm phục.Nhà thơ Hồng Thanh Quang |