Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín nhiệm của cử tri là thước đo quan trọng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới thiệu người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến đối với người ứng cử… là giai đoạn hết sức quan trọng trong quy trình bầu cử đang được triển khai. Qua đó, nhằm bảo đảm hợp lý cơ cấu, thành phần, đồng thời yêu cầu về đảm bảo chất lượng ĐB được đặt lên hàng đầu.

Đề cao chất lượng người ứng cử
Theo quy trình về việc các bước hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, trước 17 giờ ngày 14/3, các ứng viên phải hoàn thành việc lập hồ sơ ứng cử. Hiện các cơ quan, đơn vị, tổ chức đang tiến hành tổ chức các hội nghị cử tri lấy ý kiến với người ứng cử.
Để lựa chọn được những người tiêu biểu nhất ra ứng cử, theo quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một điểm mới là trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác. Nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
 Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Công Hùng
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội cũng như ĐB HĐND các cấp. “Chúng tôi thấy quy trình hiệp thương ngày càng được tiến hành chặt chẽ. Qua việc tiến hành công khai, dân chủ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện thông tin về ĐB thiếu tiêu chuẩn cũng được phát huy. Đặc biệt, lần này có quy định về kê khai tài sản theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; theo quy định về công khai sơ yếu lý lịch. Các vấn đề về quốc tịch, thu nhập, tài sản... đều rất được chú ý trong đánh giá tiêu chuẩn đại biểu. Những nội dung quy định này đã được làm rõ và cụ thể hơn” - ông Ngô Sách Thực cho biết.

Không qua loa, cảm tính khi giới thiệu

Tiêu chuẩn ĐB Quốc hội và ĐB HĐND là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh khi giới thiệu các ứng viên. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã quy định rõ các tiêu chuẩn của ĐB, trong đó có liên hệ chặt chẽ với cử tri, đặc biệt là phải có điều kiện tham gia thực hiện nhiệm vụ của đại biểu… Người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND các cấp - dù được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử - đều phải đáp ứng các điều kiện “cứng” được quy định này.

Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư còn quy định với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu thì phải đáp ứng thêm yêu cầu như: Là người tiêu biểu, xuất sắc trong công tác; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp… Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết… Đối với ĐB Quốc hội, ĐB HĐND chuyên trách thì lại có tiêu chuẩn cao hơn nữa về độ tuổi, trình độ, chức vụ, sức khỏe… Về vấn đề chất lượng và cơ cấu, tại Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị lần này cũng đã chỉ rõ: Bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. MTTQ cũng tiến hành việc giám sát quá trình giới thiệu các ứng cử ĐB ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để đảm bảo tiêu chuẩn này.

Nhận định quy trình lựa chọn nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự ứng cử lần này đã được bổ sung, hoàn thiện thêm một bước, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, thực hiện nghiêm túc, công tâm các quy định đã có, chất lượng ứng cử viên sẽ được nâng lên. Các cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử phải rà soát kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn này chứ không thể cảm tính, qua loa.

"Các điều kiện, tiêu chuẩn của ĐB đã được quy định, các hội nghị hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri căn cứ vào các tiêu chuẩn này để lựa chọn được các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, do đó, không xảy ra trường hợp các ĐB không đủ tiêu chuẩn mà được giới thiệu."- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh