EU phản đối Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc với Iran
Ngày 20/9, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc nhằm vào Iran.
Ông Borrell cho biết Mỹ đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington "không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."
Ông Borrell cũng cho biết các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hay gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, tiếp tục được áp dụng.
Là điều phối viên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA, EU cam kết tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác.
Ngày 19/9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Anh cảnh báo phong tỏa toàn quốc lần hai
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/0 cho biết nước này hiện ở điểm quan trọng liên quan đến đại dịch Covid-19, thậm chí cảnh báo biện pháp phong tỏa quốc gia lần 2 có thể được áp đặt nếu người dân không tuân thủ các quy định của chính phủ để ngăn dịch lây lan.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 mới tại Anh đã tăng vọt, với 3.899 trường hợp được ghi nhận trong ngày 20/9. Thậm chí, Thị trưởng London Sadiq Khan đã yêu cầu phải hành động nhanh chóng để ngăn dịch lan nhanh tại thủ đô nước Anh. Dự kiến nhà chức trách London sẽ nhóm họp để đưa ra các bước khuyến nghị để được cấp bộ trưởng thông qua.
Theo Bộ trưởng Hancock, hiện có 2 lựa chọn, đó là người dân tuân thủ quy định, hoặc chính phủ sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp. Theo ông, dù không mong muốn, song cũng không thể loại trừ khả năng nước Anh phải phong tỏa toàn quốc lần 2 để ngăn dịch lan rộng.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi tình hình dịch hiện nay là làn sóng thứ 2 và các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn sẽ được áp đặt tại nhiều vùng trên cả nước, với London có thể là địa điểm tiếp theo.
Mỹ đề nghị Nga gia hạn Hiệp ước START Mới ít hơn 5 năm
Fox News dẫn phát biểu với nhật báo Kommersant (Nga) của ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí, cho biết Chính phủ Mỹ ngày 20/9 đã đề xuất với Moscow gia hạn hiệp ước START Mới (phía Nga gọi là START-3) thêm ít hơn 5 năm để tạo điều kiện càng sớm càng tốt tìm kiếm một văn kiện đa phương mới.
Đây là bước đi khá bất ngờ, dù trước đó giới chức Mỹ từng bóng gió việc có thể gia hạn hiệp ước START. Song hồi tháng 5 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien còn tỏ ý hoài nghi việc Washington sẽ gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng này.
Ông Marshall Billingslea nói: “Chúng tôi đã đề xuất một giai đoạn ngắn hơn so với đề xuất 5 năm của Nga. Theo quan chức này, thời hạn gia hạn hiệp ước START Mới sẽ phục thuộc vào sự linh hoạt trong lập trường của Chính phủ Nga đối với vấn đề".
Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Theo thỏa thuận được ký năm 2010 này, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai. Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
Phà chở 300 hành khách mắc kẹt trên biển Baltic
Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy một tàu du lịch lớn mắc kẹt tại một đảo thuộc quần đảo Aland, một vùng tự trị của Phần Lan cách Thụy Điển khoảng 70km.
Ngày 20/9, một phà chở gần 300 người trong hành trình giữa Phần Lan và Thụy Điển đã mắc cạn tại một đảo trên biển Baltic.
Tuy nhiên, Viking Line - công ty vận hành phà - cho biết không có ai bị thương trong vụ việc này.
Thông báo của Viking Line cũng cho hay tình hình đã ổn định và các hành khách đã được sơ tán bằng trực thăng với sự hỗ trợ của nhà chức trách Phần Lan.
Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy một tàu du lịch lớn mắc kẹt tại một đảo thuộc quần đảo Aland, một vùng tự trị của Phần Lan cách Thụy Điển khoảng 70km.
Hiện nhà chức trách Phần Lan chưa xác nhận liệu chiến dịch giải cứu 200 hành khách và 80 nhân viên trên tàu đã hoàn tất hay chưa.
Khi vụ việc xảy ra, phà đang trong hành trình giữa Turku ở Phần Lan với thủ đô Stockholm của Thụy Điển.