Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới vượt 1 triệu người
Tính đến sáng ngày 28/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 33.281.359 ca mắc Covid-19, trong đó có đến 1.001.756 trường hợp tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, số ca đã khỏi bệnh trên toàn thế giới là 24.595.002 trường hợp.
Mỹ là quốc gia có số người nhiễm virus SARS CoV-2 cao nhất thế giới - 7.319.268 ca, và cũng là nước có số người thiệt mạng cao nhất vì dịch bệnh - 209.438 ca.
Brazil đứng ngay sau Mỹ về số ca tử vong trên thế giới với 141.741 trường hợp, trong tổng số 4.732.309 ca mắc (nhiều thứ 3 thế giới).
Về số ca mắc, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 2 sau Mỹ về số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất trên thế giới với 6.073.348 ca. Ấn Độ cũng đã có đến 95.574 người thiệt mạng.
Nga đứng thứ tư về số người nhiễm virus SARS-CoV-2 với 1.151.438 ca, trong đó có đến 20.324 người thiệt mạng.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca tử vong do Covid -19 trên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi, lên 2 triệu người nếu các biện pháp phòng ngừa không được duy trì.
Ông Biden kêu gọi hoãn thông qua thẩm phán tối cao mới
Ứng viên Joe Biden cảnh báo việc bà Barrett trở thành thẩm phán tối cao mới sẽ mở ra một thời kỳ đen tối cho nước Mỹ khi hàng loạt các chính sách thiết yếu sẽ bị khai tử.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/9, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden khẳng định Thượng viện Mỹ phải vì đạo đức và lương tâm mà hoãn thông qua vị trí thẩm phán Toà án tối cao của bà Amy Coney Barrett vừa được đương kim Tổng thống Donald Trump đề cử.
"Tôi kêu gọi mọi thượng nghị sĩ nên lùi một bước khỏi vực thẳm. Hãy tạm thời đừng nghĩ tới những ràng buộc về mặt chính trị và đứng lên bảo vệ Hiến pháp của chúng ta" - hãng tin Sputnik dẫn lời ông Biden.
Chia sẻ thêm, ứng viên này còn cảnh báo việc bà Barrett trở thành thẩm phán tối cao mới sẽ mở ra một thời kỳ đen tối cho nước Mỹ khi những chính sách thiết yếu như chương trình bảo hiểm y tế Obamacare sẽ bị khai tử.
Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là 100 triệu người Mỹ đang có bệnh bị mất khoản hỗ trợ chi phí điều trị từ chính phủ.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Trong một tuyên bố ngày 28/9, chính phủ Ả Rập Saudi - nước chủ tịch Nhóm các nền kinh tế G-20 cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới của G-20 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 21-22/11 và do Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud chủ trì.
Thông báo khẳng định Ả Rập Saudi, trên cương vị chủ tịch G-20 năm nay, sẽ "tiếp nối thành công của hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 3 và dựa trên kết quả của hơn 100 hội nghị trực tuyến cấp chuyên viên và bộ trưởng."
Cũng theo thông báo, với chủ đề "Hiện thực hóa cơ hội của thế kỉ 21 cho tất cả mọi người," nội dung nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ tập trung vào việc bảo vệ người dân và hồi phục tăng trưởng để giải quyết những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra cũng như đặt nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Chính quyền Palestine thúc đẩy hội nghị hòa bình quốc tế về Trung Đông
Ngày 28/9, Chính quyền Palestine (PA) đã khởi động các bước ngoại giao nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế vào đầu năm 2021 về tiến trình hòa bình với Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề nghị LHQ tổ chức một hội nghị quốc tế về Trung Đông trong năm 2021. |
Phái viên PA tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Riyad Mansour cho biết hiện phái bộ này đã bắt đầu các bước chuẩn bị với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và một số nước để chuẩn bị tham vấn về hội nghị quốc tế, Quá trình tham vấn sẽ được tổ chức bởi Liên minh châu Âu, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Hôm 25/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đề nghị LHQ tổ chức một hội nghị quốc tế về Trung Đông trong năm 2021. Trong phát biểu gửi tới Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Abbas kêu gọi Tổng Thư ký Antonio Guterres tổ chức một cuộc họp về vấn đề Palestine "đầu năm tới" và triệu tập "tất cả các bên liên quan".
Tuyên bố của Tổng thống Abbas được đưa ra sau khi Israel và UAE/Bahrain ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 15/9 tại Washington. Hiện Palestine đã bác bỏ các thỏa thuận này, cho rằng chỉ khi Israel rút khỏi Judea và Samaria (Bờ Tây) mới có thể đưa tới hòa bình cho Trung Đông. Bên cạnh đó, PA cũng bác bỏ nỗ lực ngoại giao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, cáo buộc Washington đang thiên vị Israel./.