Nhìn vào kết quả có thể thấy, trong 6 tháng qua, Hà Nội đã đạt tỷ lệ khá tốt về giải ngân so với số vốn đầu tư công được giao, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cùng với nhận diện các điểm nghẽn, việc gắn trách nhiệm không chỉ của quận, huyện, chủ đầu tư mà cả các sở chuyên ngành ở những nội dung công việc liên quan cũng đã được đặt ra.
Để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, thời gian vừa qua, liên tục các hội nghị, cuộc họp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được TP Hà Nội tổ chức; nhiều chuyên đề, giải pháp đã được triển khai. Để qua đó, có giải pháp thấu đáo, gỡ khó cho từng dự án, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, cách thức triển khai, đốc thúc các địa bàn, đơn vị vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả. TP cũng ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, vào cuộc trong thúc đẩy giải phóng mặt bằng…
Như những con số thống kê được đưa ra, năm 2024, T.Ư giao kế hoạch vốn cho TP là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,73 lần so với năm 2023; đến ngày 30/6/2024, TP giải ngân được 19.484 tỷ đồng (đạt 24% kế hoạch), cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (tính đến ngày 30/6/2023) là 3.553 tỷ đồng và đứng thứ 2 cả nước về giá trị tuyệt đối.
Có thể nói, đây là những con số đáng mừng, nhưng với thời gian còn lại, để tiến tới mục tiêu giải ngân hơn 95% số vốn, vẫn là một thách thức không nhỏ. Do đó, việc nhận diện rõ các điểm nghẽn, tìm nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp thúc đẩy giải ngân là vấn đề tiếp tục được đặt ra, để tránh tạo ra những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Thực tiễn cho thấy, trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công ở một số nơi thấp, có sự phối hợp “chưa nhịp nhàng”, chậm trễ giữa các đơn vị liên quan trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục, giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc liên quan… Nên quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, chưa hiệu quả, có những dự án được nêu không vướng gì nhưng cũng giải ngân được thấp bởi sự vào cuộc chưa thật quyết liệt của người trong cuộc.
Như các ý kiến đại biểu đã đề xuất, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cần gắn trách nhiệm không chỉ của quận, huyện, chủ đầu tư mà còn gắn với trách nhiệm của các sở chuyên ngành ở những nội dung công việc liên quan. Bởi sự cộng đồng trách nhiệm trên tinh thần cùng vào cuộc là một yêu cầu rất cần thiết trước những nhiệm vụ trọng tâm.
Khi các đơn vị cùng phối hợp nhịp nhàng, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ… với sự quyết liệt, chủ động, thực sự vào cuộc thực chất hơn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời sẽ tạo ra hiệu quả, không để tình trạng "tiền chờ dự án".
Trong 5 chuyên đề TP đã và đang tiếp tục thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng đã xác định rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, chủ đầu tư để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình, kế hoạch; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án… Việc phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong từng khâu, từng ngành dù là trực tiếp hay liên quan, sẽ là giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực sự tạo ra “cửa” sáng nhất trong các “mũi giáp công” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.