Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Trong đó, quan trọng nhất là bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Theo Bộ GTVT, thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe. Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, nhân lực... theo quy định thành lập đơn vị đăng kiểm đã có.
Nghị định mới cũng cho phép nhân lực kiểm định, cơ sở vật chất thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới nếu hệ thống trung tâm đăng kiểm không đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Ngoài ra, việc xây dựng cũng phải phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn, khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.
Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định, bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Nghị định 30 cũng cho phép số đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền là 2, thay vì 3, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều dây chuyền thiết bị hiện không được sử dụng do không đủ 3 đăng kiểm viên. Quy định mới sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành dây chuyền kiểm định của các trung tâm.
Về điều kiện của đăng kiểm viên, nghị định giữ nguyên quy định hiện hành - tức đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, song cho phép giảm thời gian thực tập. Thay vì đăng kiểm viên phải có 12 tháng thực tập kiểm định trước khi thi sát hạch cấp chứng chỉ, nghị định cho phép học viên đã làm việc 12-24 tháng tại cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô chỉ cần thực tập 6 tháng; làm việc trên 24 tháng thì thực tập 3 tháng.
Nghị định mới thay đổi theo hướng phân cấp quản lý lĩnh vực đăng kiểm cho các địa phương. Doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm gửi về Sở GTVT (không gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay). Sở cũng quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý.
Các trường hợp đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ:
Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ một tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Không bảo đảm một trong các điều kiện, yêu cầu, quy định tại Nghị định này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm.
- Có 2 lượt đăng kiểm viên bị xử phạt theo quy định trong thời gian 12 tháng liên tục.
- Phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung chứng chỉ đăng kiểm viên..
Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ 3 tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Có từ 3 lượt đăng kiểm viên trở lên bị xử phạt trong thời gian 12 tháng liên tục, trừ trường hợp bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.
- Đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT tải ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định.
- Tiếp tục vi phạm một trong các trường hợp vi phạm tại khoản 1 Điều 10 của nghị định này trong thời gian 12 tháng liên tục.