Tổ chức thiết kế đô thị là tất yếu để phát triển

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thiết kế lại tuyến phố là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, mang lại những tiện nghi cuộc sống tốt hơn cho người dân. Nhưng trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt do thiếu nguồn kinh phí và cần phải có giải pháp. Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái để làm rõ hơn vấn đề này.

 Thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái
Thưa ông, TP Hà Nội đang nghiên cứu phương án triển khai thực hiện Đồ án Thiết kế đô thị tuyến phố Thái Thịnh. Ông đánh giá thế nào về đồ án này?
- Thái Thịnh là tuyến phố cũ, đi qua nhiều khu chức năng sử dụng đất công cộng, các khu tập thể cũ, các khu dân cư cũ… Quá trình đô thị hóa đã chứng kiến nhiều mô hình nhà ở được áp dụng tại đây như các khu tập thể thấp tầng Yên Lãng, khu nhà lắp ghép Vĩnh Hồ, hay khu chia lô dân tự xây Thái Thịnh… Hầu hết các nhà chung cư cũ hiện nay đã xuống cấp, bị phá vỡ cấu trúc nguyên thủy do tình trạng cơi nới, lấn chiếm.

Phố Thái Thịnh còn có đặc trưng là tuyến đường liên đô thị, liên kết nhiều khu vực của các quận nội thành. Khi xã hội phát triển, đô thị ngày càng cần phải tiện nghi hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn… Thế thì chúng ta không thể đáp ứng được điều đó ở những tuyến đường nhỏ như vậy, nó không phù hợp với sức phát triển của Hà Nội bây giờ.

Ứng với mỗi một vị trí nhất định như thế, nó đòi hỏi về mặt quản lý kiến trúc mặt phố cũng như hình thái kiến trúc tại khu vực ấy phải có sự khác nhau và chỉ có thiết kế đô thị mới giải quyết được bài toán ấy.

Có thể khẳng định, Thái Thịnh là một trong những tuyến phố quan trọng, nên vẫn cứ để như hiện trạng bây giờ thì rõ ràng không phù hợp với sức phát triển. Và nó không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi như vấn đề về nhu cầu giao thông ngày một lớn, những tiện nghi của đô thị khi người dân đi qua. Hơn nữa, cuộc sống của người dân hai bên tuyến phố ngày một cao hơn, dẫn đến sức ép về số lượng phương tiện trên tuyến ngày càng nhiều hơn... Vì vậy bắt buộc phải tổ chức thiết kế đô thị. Đây là việc làm cần thiết để đô thị phát triển bền vững hơn.

Viện Quy hoạch Xây dựng đã đề xuất nâng tầng chung cư cũ hiện nay từ 5 tầng lên 8 tầng và không làm gia tăng dân cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ. Theo ông vấn đề này có hợp lý?

- Về việc đề xuất xây dựng từ 5 tầng lên 8 tầng hiện hữu, theo tôi chưa phải là nhà cao tầng, vì trong quy định, nhà từ 9 tầng trở lên mới được coi là nhà ở cao tầng. Việc này sẽ giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất, là những hộ dân sống tại những nơi đó sẽ được tái định cư tại chỗ, họ không bị xáo trộn nhiều về cuộc sống từ thói quen, tập quán, nhu cầu… dẫn đến dễ thuyết phục hơn; Thứ hai, xây dựng một chung cư mới chất lượng hơn, tiện nghi hơn, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Rõ ràng đó là giải pháp rất tốt.

Một trong những vướng mắc của việc đưa đồ án vào thực tế là nguồn tài chính. Theo ông có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

- Vấn đề làm sao để thực hiện được kế hoạch này khi mà tài chính công của chúng ta đang ngày càng siết chặt, đầu tư công để giải quyết các khu chung cư cũ là vô cùng khó và không khả thi trong tương lai gần. Vậy để giải quyết vấn đề đó chúng ta buộc phải sử dụng nguồn vốn xã hội hóa của nhà đầu tư tư nhân, như thế nhà quản lý cần phải đưa ra những cơ chế để DN đầu tư có lãi thì họ mới tham gia.

Đối với các công trình công cộng, tôi nghĩ nó không bị ảnh hưởng nhiều, vì khi cấp phép xây dựng quản lý kiến trúc, các công trình công cộng đã có chỉ số xây dựng lùi vào so với chỉ giới đường đỏ, nên nếu có phương án mở rộng đường thì cũng không ảnh hưởng.

Xin cảm ơn ông!