Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỏa sáng tinh thần Việt

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một tinh thần Việt. Điều đó như thanh gươm thần náu trong lòng Hồ Gươm. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, lại được tuốt ra khỏi vỏ, tỏa sáng chính khí, quét hết mọi kẻ thù hung bạo. Trong cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay cũng vậy, tinh thần Việt đang tỏa sáng.

Hào khí Mùa Xuân
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng Tư hào sảng, một tháng Tư không thể quên được. Đã 45 năm mà như mới hôm qua. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã quét sạch bóng thù, thu non sông về một mối.
Tôi từng được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Vẫn không thể tả hết được niềm tự hào, niềm vui chiến thắng sau 30 năm trường kỳ kháng chiến, đúng hơn là cả nghìn năm khao khát; nghìn năm xương máu cho một ngày 30/4 ấy.
 
Trong năm tháng ấy, trước thế nước trào dâng, tôi mới hiểu câu thơ Phạm Ngũ Lão “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”, tôi hiểu sâu sắc và cụ thể sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Những bạn trẻ sau này, để hiểu không khí thời đại, không khí của những ngày thần tốc ấy có thể đọc câu thơ của Chế Lan Viên: “Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất/ Tin thắng mỗi ngày mọc trước vầng dương”.
Giặc đến nhà, trận nào, mùa nào chúng ta cũng thắng. Nhưng những trận thắng lớn thường vào mùa Xuân. Đó là mùa Xuân 1258, vào năm Nguyên Phong thứ 7 đời vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), 18 vạn quân Đại Việt (trong đó có 8 vạn sương quân, tức quân địa phương) đã quét sạch hơn 20 vạn quân Mông Nguyên và 20 vạn quân chư hầu Đại Lý. Chỉ sau hai tuần, Thăng Long được giải phóng, quân địch bị diệt sạch, tháo về bắc chỉ còn một vạn ba nghìn quân. Câu thơ “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong” còn truyền đến bây giờ.
Mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789, chỉ trong 5 ngày, Quang Trung đã quét sạch 29 vạn quân Thanh thời Càn Long, khiến chúng phải sởn người.
Có một hào khí Việt Nam bất khuất, Việt Nam chiến thắng trong Mùa Xuân, để làm nên Mùa Xuân. Và nó được lặp lại nhiều lần trong lịch sử.
Từ Đại thắng Xuân 1975, đến Xuân 2020, ta thấy tinh thần Việt, sức mạnh Việt lại trỗi dậy để chiến thắng một đại dịch toàn cầu.
Sức mạnh Nhân dân
Năm 2020, không chỉ nước ta mà toàn thế giới lâm vào cơn nguy biến, “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” bởi đại dịch Covid-19. Ở nước ta, miền Trung và Nam Bộ còn bị hạn hán và nhiễm mặn, hàng triệu người thiếu nước ngọt cho bữa cơm của mình. Ấy là lúc tinh thần Việt lại bùng lên. Đó là lòng yêu nước, là tinh thần bất khuất, là trái tim “thương người như thể thương thân”, là một khối kết đoàn không thể gì lay chuyển.
Ngày 11/2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo Chính trị, trong đó có đoạn nói về lòng yêu nước: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm”. Tinh thần ấy, sức mạnh ấy đã từng được biểu thị hùng hồn trong nhiều thời kỳ lịch sử và hiện nay cũng vậy.
Lo lắng, nhưng không thể không tự hào, khi dịch Covid-19 khiến hàng triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người tử vong. Trong lúc đó, Việt Nam là nước cận kề Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên, nhưng chỉ có 268 người nhiễm bệnh, phần lớn trong số đó đã được chữa khỏi, chưa có ca tử vong nào. Cùng với đó, trên tinh thần quốc tế cao cả, Việt Nam còn giúp sức cho Mỹ, Ý và một số nước khác trên thế giới để chống dịch. Đây là một kỳ diệu Việt Nam mà ngày thường không dễ nhận ra.
 Đường Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Hải
Hình ảnh những chiến sĩ quân đội đã ra ngủ rừng để nhường chỗ cho người cách ly; những chiến sĩ y tế, công an trực chiến cả tuần không về nhà; “Bộ Tham mưu” của Ban phòng chống dịch và lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương, từng giờ, từng phút theo dõi diễn biến tình hình… tất cả làm việc với tinh thần thời chiến, tinh thần tính mạng con người là trên tất cả đã khiến thế giới khâm phục.
Hằng ngày, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đe dọa tính mạng của Nhân dân, hàng trăm DN đã ngừng sản xuất những mặt hàng truyền thống để sản xuất những mặt hàng y tế. Có Việt kiều sở hữu những công nghệ có giá trị cao, không bán cho nước khác, không vì tiền, chỉ gửi về nước để cứu chữa Nhân dân. Rồi hàng nghìn, hàng vạn những nghĩa cử cao đẹp khác đang được thể hiện rất rõ trong cuộc chiến này, để cùng chung tay vượt qua khó khăn. Đất nước này, khi chạm đến tầng sâu, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều đứng lên vì đại nghĩa.
Thống nhất ý chí và hành động
“Nhà nước của Nhân dân: Tính mạng của Nhân dân là trên hết!”. Điều này được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi ngày 30/3 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động... Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”!
Điều này được thể hiện rõ trong chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hy sinh lợi ích kinh tế và các lợi ích khác vì con người, việc đề ra khẩu hiệu quyết liệt: “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện khẩn cấp giãn cách xã hội và nhiều biện pháp hữu hiệu khác.
Nếu 45 năm trước, cũng những ngày tháng Tư lịch sử của năm 1975, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm nên một mùa Xuân đại thắng. Tháng Tư của năm 2020 này, Thủ tướng kêu gọi: “Thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này”.
Tinh thần đó là ý chí, quyết tâm của Đảng và Nhà nước, của toàn thể dân tộc, đến từ sự chủ động, có kế hoạch. Trước Tết Nguyên đán, các kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được thảo luận. Ngày 29/1, Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Công văn số 79-CV/TW xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; phải huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Kinh nghiệm “4 tại chỗ” đã được Nhân dân đúc kết trong quá trình chống thiên tai lâu dài trong lịch sử được áp dụng trong chống dịch: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Cùng với dự báo sớm, xây dựng đầy đủ các kịch bản, kiên định 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; cùng với tinh thần chống dịch như chống giặc đã trở thành những bài học thành công, đưa Việt Nam thành “ngọn hải đăng” chống dịch như nhà báo Anh Xan Fle-ming viết trên Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 30/3.
Khi Việt Nam trở thành một nước khá an toàn trong đại dịch toàn cầu, mọi kinh phí chữa trị do Nhà nước chu cấp, người Việt khắp thế giới đều muốn trở về quê. Biết đó là nguồn lây nhiễm nguy hiểm, Tổ quốc vẫn dang rộng vòng tay đón những đứa con xa.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế và đời sống. Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ân giảm thuế, hỗ trợ gói tín dụng 250.000 tỷ đồng... Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 62.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay nhằm ổn định đời sống cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Đồng tâm, quyết tâm, tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, các giải pháp của Chính phủ, tin tưởng ở chiến thắng là không khí xã hội ở nước ta vào những ngày này...
Những bài học từ góc nhìn văn hóa
Từ “cuộc chiến” này cũng cho thấy những bài học, đặt biệt từ góc nhìn văn hóa, xã hội. Trước hết, thấy rõ hơn sức mạnh của cộng đồng, sự ưu việt của chế độ ta để yêu quý và vun đắp. Những định chế, những tập tục ít đổi thay (thí dụ không muốn đeo khẩu trang, không nghiêm ngặt giãn cách xã hội) đã là một trong những nguyên nhân của thảm họa ở một số nước đứng đầu về số ca nhiễm, về số người chết đã nói lên rất nhiều điều về một quốc gia có sức mạnh kinh tế hàng đầu nhưng cố kết xã hội, thái độ với con người không phải là hàng đầu. Giá trị nhân văn, nhân quyền, sức mạnh văn hóa, trong đó có khả năng ứng biến được thể hiện rõ vào lúc này.
Sau nữa, trong họa có phúc, trong thách thức có cơ hội. Quan trọng nhất là trong nguy biến, nảy ra những nhận thức lớn của con người. Tình người một lần nữa hiển sáng lên giá trị bậc nhất trong xã hội. Cung cách làm việc, nhiều thói quen từ đây cũng sẽ được thay đổi trong mọi ngành, mọi người. Không cần thiết phải đi ra đường nhiều; Không cần thiết có mặt 8 giờ/ngày ở cơ quan; Không chỉ đến trường mới học được... và nhiều thứ “không cần thiết” khác có thể được rút ra vì lợi ích chung của xã hội, nhằm xây dựng nền tảng văn hóa ứng xử thích hợp trong tương lai.
Đồng thời, thấy rõ hơn vai trò của thông tin. Trong chiến thắng đại dịch ở nước ta, công lao hàng đầu thuộc về ngành y tế, các lực lượng vũ trang và báo chí truyền thông, trong đó có cả mạng xã hội. Chưa bao giờ thông tin được đưa đầy đủ, kịp thời, tập trung và thống nhất như lúc này. Những khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”, những kinh nghiệm chống dịch, những tác phẩm nghệ thuật được lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên báo chí và mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng dịch bệnh.
Đó phải chăng là tinh thần Việt - hào khí của non sông.

TS Hoàng Mỹ Nhi (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Chúng ta “ra trận” với sự đoàn kết nhất trí cao độ

Trong những ngày qua, cả nước đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch Covid-19. Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” là thông điệp đã lan tỏa tới mọi tầng lớp Nhân dân. Người Việt Nam có tinh thần dân tộc cao nhất là khi đất nước gặp phải những khó khăn của “thù trong, giặc ngoài”. Sự đoàn kết, đồng lòng và tương trợ lẫn nhau luôn xuất phát từ bản chất giàu lòng nhân ái và truyền thống cao đẹp của người Việt. Khi Tổ quốc cần, hàng triệu người dân một lòng đoàn kết, nghe theo lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điều này còn thể hiện một niềm tin sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Ngoài ra, người Việt còn có tấm lòng rộng lượng, bao dung, sẵn sàng bao bọc và che chở cho đồng bào, những người con xa xứ. Việt Nam đang trên con đường vượt qua đại dịch Covid-19 cũng vì sự đoàn kết, đồng lòng quyết tâm của Nhân dân trong thời gian qua. Từ trong tim mình, tôi luôn vững tin rằng, chúng ta “ra trận” - với sự đoàn kết nhất trí khắc phục khó khăn của toàn thể Nhân dân, với sự đồng lòng từ T.Ư đến địa phương và mỗi người dân là một chiến sĩ - chúng ta nhất định thắng lợi trong cuộc chiến này. (Hồng Thái ghi)


GS Carl Thayer, Đại học New South Wales (Australia): Bí quyết là sự ủng hộ của người dân

Chính phủ Việt Nam đã tích cực đối phó với đại dịch Covid-19 trong hơn 2 tháng qua. Rõ ràng là các bạn đã hành động nhanh chóng và quyết đoán khi nhận thấy mức độ đe dọa của dịch bệnh với sức khỏe cộng đồng. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp của các quan chức y tế cấp cao để đưa ra giải pháp tầm khu vực với Covid-19. Ấn tượng của tôi là Việt Nam đã khuấy động được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng cho những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh do người dân tin tưởng vào phán quyết của Chính phủ.


Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park: Nên học tập mô hình chống dịch Covid-19 từ Việt Nam

Việc kích hoạt sớm hệ thống ứng phó, tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng việc thực hiện giãn cách xã hội đã mang lại thành công cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời với các hoạt động giám sát này, năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã liên tiếp được tăng cường để đảm bảo phát hiện sớm virus Covid-19 và kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm ở mọi cấp độ. Việc thông tin cho người dân diễn ra kịp thời và minh bạch. Đây là mô hình chống dịch hiệu quả mà các nước có thể học tập. (Cẩm Anh ghi)