Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cảnh “cuộc chiến” với xe quá tải trong năm 2022

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 tiếp tục “nóng” lên vấn nạn xe quá tải khi lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục ngàn trường hợp phương tiện vi phạm tải trọng xe, nhưng nhìn chung, đây vẫn là một năm chưa thật sự thành công của “cuộc chiến” này.

Xe quá tải tiếp tục là chủ đề nóng của ngành giao thông năm 2022.
Xe quá tải tiếp tục là chủ đề nóng của ngành giao thông năm 2022.

Xe quá tải vẫn còn “lọt lưới”

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022 vừa qua tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều tuyến QL như: QL1, QL6, QL20, QL45, QL47, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa cũng là “điểm nóng” của tình trạng này.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực, và thùng chở hàng gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc dùng để chở quá tải hơn 200%, xe chở các thùng dạng container “phi tiêu chuẩn” đang lưu thông trên đường bộ thuộc các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Trong năm 2022, những trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, thanh tra các Sở GTVT đã kiểm tra hơn 114.000 xe, trong đó có hơn 18.000 xe vi phạm, tước gần 3.000 giấy phép lái xe, xử phạt hơn 147 tỷ đồng.

Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, dù có hàng chục ngàn phương tiện vi phạm tải trọng xe bị xử lý trong năm vừa qua, nhưng nhìn chung kết quả này chưa phản ánh đầy đủ được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý. Nguyên nhân do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm, tuyến đường nhỏ nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, hiện một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ đơn vị vi phạm.

Thêm vào đó, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng cần phải có sự phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương nên công tác này chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Cần có thêm nhiều sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong xử lý xe quá tải.
Cần có thêm nhiều sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong xử lý xe quá tải.

Cần phải làm tận gốc

Câu chuyện xe quá tải vốn là đề tài được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều năm qua. Cũng giống như nhiều vấn nạn khác trong lĩnh vực giao thông vận tải, các giải pháp đối phó với vấn nạn xe quá tải hiện nay chủ yếu mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Để “trị” tận gốc vấn nạn này, các chuyên gia cho rằng, cần phải làm có những giải pháp quyết liệt, triệt để hơn.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng xe chở quá tải, cơi nới thành, thùng đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên, hiện nay còn nhiều diễn biến mới phức tạp.

 

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ đạo các Sở GTVT, các Khu Quản lý đường bộ bố trí lực lượng, kinh phí, xử lý quyết liệt, triệt để, xử nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục về công tác kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự ATGTPhó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền

"Thực tế hiện nay, xử lý một xe quá tải trung bình mất 3 - 4 tiếng liên hệ với chủ xe hoặc hạ tải. Muốn xử lý dứt điểm xe quá tải phải làm tận gốc" - Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.

Một trong những giải pháp được kỳ vọng mang đến hiệu quả cao trong “cuộc chiến” với xe quá tải là tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT và thanh tra giao thông. Để làm được điều này, việc chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (tới đây sẽ có thêm dữ liệu từ camera giám sát) trên các phương tiện giữa Bộ GTVT và Bộ Công an là điều vô cùng cần thiết. Làm được điều đó, hiệu quả quản lý, giám sát cũng như phát hiện và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng sẽ được nâng cao một cách rõ rệt.

Trong thời gian tới, Bộ Công an và Bộ GTVT cần kết nối sâu rộng hơn nữa cơ sở dữ liệu dùng chung. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ quản lý của lực lượng chức năng như: Thông báo xử phạt vi phạm hành chính; xác định nguồn gốc xe, thủ tục hải quan… trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký đối với phương tiện; quản lý vấn đề sử dụng giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện nhằm xác định rõ người nào bị tước giấy phép lái xe để không cấp mới với trường hợp vi phạm.

Rất nhiều trường hợp xe quá tải đi vào đường cao tốc.
Rất nhiều trường hợp xe quá tải đi vào đường cao tốc.

Chờ đợi đột phá trong năm 2023

Năm 2023 sẽ là một năm bản lề trong công tác xử lý xe quá tải. Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để xử lý tốt xe quá tải trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc ứng dụng công nghệ, minh bạch trong xử lý xe quá tải sẽ là giải pháp mang lại hiệu quả cao.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe như dùng cân tự động, đo kích thước phương tiện, hàng hóa tự động làm cơ sở để xử lý vi phạm hành chính, giảm áp lực cho lực lượng thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát xe quá tải được thực hiện 24/24 giờ, xử lý vi phạm đúng quy định, chống tiêu cực.

“Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe cũng sẽ được thực hiện ngay tại đầu nguồn hàng, trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải. Cùng với đó tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường" - bà Phan Thị Thu Hiền nói.

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định về kiểm soát xe quá tải, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả tham mưu, bảo đảm ngăn chặn triệt để và có hiệu quả các vi phạm về tải trọng.

 

Một số địa bàn thanh tra giao thông của Sở GTVT mới chỉ kiểm soát xe quá tải trên quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương. Các lực lượng khác còn chưa vào cuộc quyết liệt. Đồng thời các công trình, dự án đồng loạt khởi công trở lại sau dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao đã làm xe quá tải tái diễn.

Cục Đường bộ Việt Nam