Số vụ án được phát hiện tăng
Báo cáo của Chính phủ cho biết, toàn quốc xảy ra 40.098 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 19,01%), đã điều tra, khám phá 32.668 vụ, đạt tỷ lệ 81,47%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 92,5%, án đặc biệt nghiêm trọng, đạt 95,65%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), 8 vụ nổ (giảm 60%), nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can. Viện Kiểm sát các cấp thụ lý và kiểm sát điều tra 1.225 vụ/3.357 bị can (trong đó án mới 755 vụ/2.315 bị can). Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 614 vụ /1.467 bị cáo; đã giải quyết 476 vụ /1.115 bị cáo, trong đó xét xử 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng.
Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, số có điều kiện thi hành 3.258 việc với số tiền hơn 56.688 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.703 việc với số tiền hơn 19.818 tỷ đồng.
Tại phiên họp, trình bày thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm; lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền Nhân dân. Xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%. Về tình hình an toàn giao thông, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Đồng thời, dẫn chứng một số loại tội phạm tăng mạnh như: giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng...
Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao như: các vụ trọng án giết người, bắt cóc trẻ em, ma túy... Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp,...
Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Từ đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao như: các vụ trọng án giết người, bắt cóc trẻ em, ma túy...
Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên.
Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội đã đạt và vượt như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội rất nghiêm trọng đạt 92,5%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,65%
Bên cạnh đó, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Một số loại tội phạm xâm phạm sở hữu như: trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn vi phạm; vẫn còn một số trường hợp phải đình chỉ điều tra do không chứng minh được tội phạm.
Cần giải pháp mạnh mẽ trấn áp tình trạng lừa đảo, tín dụng đen
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, hiện nay tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đang khá phổ biến. Mặc dù cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phản ánh, thời gian vừa qua, tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng triệt để công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật. Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, loại hình cho vay này có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được. Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả được thì các đối tượng sử dụng danh bạ điện thoại của người vay để gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự, khống chế và tạo áp lực cho người vay hoặc lại tiếp tục cho vay các khoản vay mới để nâng mức nợ đối với các đối tượng vay. Rất nhiều trường hợp trong thời gian vừa qua đã phát hiện, khởi tố, có những trường hợp lãi suất rất cao, lên tới 1000%.
Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng và không rơi vào những cạm bẫy của những đối tượng lợi dụng.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể như tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm, hiệu quả công việc còn thấp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập chậm được sửa đổi, bổ sung, có thể là điểm yếu để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực...