Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôm nuôi chết hàng loạt tại Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo người dân, tôm chết rất nhanh và lan rộng, nên dù dùng thuốc vẫn không có hiệu quả.

Những ngày qua, người nuôi tôm ở các xã Bình Dương, Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng lo lắng bởi nhiều hồ nuôi xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt.

 Tôm chết được vớt lên ở hồ nuôi.
Ông Phan Văn Giày (thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) thả nuôi 30 vạn giống tôm thẻ chân trắng tại 2 hồ, thì cả 2 hồ đều bị nhiễm bệnh.
“Ngay khi phát hiện tôm trong 1 hồ nuôi đầu tiên có dấu hiệu chết, tôi đã dùng thuốc và khoanh vùng bảo vệ hồ nuôi thứ 2 đang nuôi hơn 10 vạn tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vẫn không có hiệu quả, cả 2 hồ đều xuất hiện tôm chết hàng loạt”, ông Giày cho biết.
Theo các hộ dân, tôm nuôi chết rất nhanh và lan rộng. Dù đã dùng thuốc nhưng vẫn không có hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết, thời gian qua đã nhận được thông tin về tình hình tôm nuôi bị bệnh chết không rõ nguyên nhân của các hộ nuôi tại xã Bình Dương và xã Bình Chánh. Qua đó đã phối hợp tổ chức kiểm tra thực tế.
Qua kiểm tra thấy tôm nuôi có các biểu hiện: Tôm yếu, bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp mé, đỏ thân. Quan sát tôm lâm sàng có dấu hiệu điển hình: Khối gan tụy dễ vỡ, ruột trống không chứa thức ăn, tỉ lệ chết có thể lên khá cao sau 3 - 5 ngày phát bệnh.
Tôm nuôi bị chết được chẩn đoán do virus gây bệnh đốm trắng và vi khuẩn có gien gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm gây ra.
Trước tình trạng này, huyện Bình Sơn vừa có quyết định tiêu hủy toàn bộ số tôm thẻ chân trắng đã thả nuôi trong 21 ao nuôi tôm diện tích 49.700m2 của 11 hộ nuôi tôm xã Bình Dương và Bình Chánh. Tôm nuôi bị chết được chẩn đoán do virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gene gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (AHPND) gây ra.
Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh liên quan đến thủy sản đã xảy ra tại nhiều địa phương như Bình Sơn, Tư Nghĩa và có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Một người dân đang kiểm tra tôm nuôi.
Theo ông Ngô Hữu Hạ - Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi, trước thực trạng này, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, TP, sở, ban, ngành khẩn trương khiển khai các biện pháp, kiểm tra tình hình dịch bệnh, lấy mẫu tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo, ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Thực hiện điều tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giống thủy sản không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.