Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư: Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chiều 25/6.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá lại tổng quát về công tác PCTN từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay. Với những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển mà ngược lại, chính là nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại”.

Cùng với đó, Tổng Bí thư chỉ ra một số hạn chế như: Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, DN.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế đó là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình, cơ quan mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý: “PCTN là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được”. Từ đó, Tổng Bí thư chỉ ra phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTN. Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí…

Ngoài ra, phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Tập trung hoàn thiện việc xây dựng các quy định của Đảng về PCTN theo Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 khóa 12, nhất là: Hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...

Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế- xã hội và PCTN, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN.
“Mục đích của kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. Đồng thời chỉ rõ, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc.

Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra kiểm toán vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.

Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan PCTN và các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; phải có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng; có quy định để ngăn ngừa có hiệu quả những sự tác động không theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cơ quan này.

Đặc biệt, phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Phải gạt bỏ được lợi ích nhóm khi thực hiện phòng, chống tham nhũng

Qua theo dõi Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tôi kỳ vọng rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sắp tới Đảng, Chính phủ và Nhà nước sẽ có những động thái tích cực hơn nữa trong hoạt động này. Theo đó, ngoài việc xử lý cán bộ sai phạm thì cũng cần thu hồi bằng được tài sản tham nhũng vì nó là tiền thuế, mồ hôi và nước mắt của Nhân dân. Đồng thời, trong phòng, chống tham nhũng phải loại trừ bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi mà T.Ư thì quyết liệt còn ở một số bộ ngành và địa phương lại chưa thể hiện được hết tinh thần đấu tranh chung. Quan trọng khi làm thì phải gạt bỏ bằng được lợi ích nhóm và đã làm thì phải đến nơi đến chốn mới mong công tác phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao nhất.

Anh Đỗ Văn Nhân - phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm
Phòng, chống tham nhũng cần thực hiện mạnh mẽ hơn ở tất cả các cấp

Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng trong thời gian gần đây đang thể hiện rõ sự quyết tâm và quyết liệt. Nhất khi chuyển Ban Phòng chống tham nhũng về Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo mà Tổng Bí thư làm trưởng ban là một bước về mặt tổ chức được kiện toàn để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rằng, công tác phòng, chống tham nhũng ở T.Ư đã quyết tâm, quyết liệt nhưng khi xuống đến địa phương lại chưa thực sự được quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc. Bởi, còn nhiều địa phương gần như không phát hiện ra tham nhũng và có phát hiện ra cũng chưa xử lý được đến nơi đến chốn. Từ đó, tôi đề nghị, Đảng, Chính phủ và Nhà nước cần thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa ở tất cả các cấp.

Bí thư Đảng ủy phường Phương Liên (quận Đống Đa) Mai Văn Lâm