Dự Đại hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP Hà Nội. Tham dự Đại hội có 141 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 1.200 Đảng viên Tổng Công ty.
Lợi nhuận cổ tức tăng trưởng
Trình bày báo cáo chính trị và đánh giá kết quả 5 năm qua, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Hancorp Bùi Xuân Dũng cho biết, nhiệm kỳ qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Hancorp vẫn được duy trì và phát triển. Giá trị sản xuất kinh doanh đạt 22.480 tỷ đồng; doanh thu đạt gần 19.550 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 840 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 686 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 7,7 triệu đồng/người/tháng; cổ tức bình quân của các Công ty CP đạt 9,6%.
So với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, Hancorp đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong nhiệm kỳ bình quân tăng trưởng 10%/năm, riêng năm 2019 giá trị sản xuất đạt 11.200 tỷ đồng, trong đó doanh thu 9.900 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 2,5%, cổ tức hàng năm cao hơn tiền lãi vay ngân hàng.
Mục tiêu của Hancorp trong nhiệm kỳ tới là hoàn thành việc bàn giao Công ty mẹ là doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty CP, thực hiện lộ trình thoái hết 100% vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 5 - 10%, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 2 - 3%, lợi nhuận vốn chủ sở hữu đạt từ 5 - 10%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Giá trị sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt trên 25.600 tỷ đồng; doanh thu đạt trên 22.700 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 878 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 787 tỷ đồng; cổ tức bình quân của các Công ty CP đạt 10,2%. Giá trị sản xuất kinh doanh ngoài xây lắp đạt từ 25 - 30%.
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp
Tại Đại hội, ông Dương Ngọc Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đã phát biểu tham luận về vai trò của Đảng bộ Tổng công ty trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp mô hình tổ chức của Hancorp. Theo đó, hiện Hancorp gồm 7 công ty con, góp trên 50% vốn; 20 công ty liên kết, góp từ 20 - dưới 50% vốn và đầu tư tài chính tại 14 Công ty với khoảng 20% vốn.
Từ cuối năm 2014, Hancorp có vốn điều lệ 1.410 tỷ đồng (cổ đông Nhà nước chiếm 98,83%). Trong đó, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, vốn nằm ở các Công ty con, Công ty liên kết khoảng 1.254 tỷ đồng, chiếm 89% vốn điều lệ, nên vốn lưu động của Công ty mẹ không có và thiếu vốn dài hạn để phục vụ sản xuất.
Ông Dương Ngọc Quang kiến nghị giải pháp trong thời gian tới, Tổng công ty cần tổ chức, sắp xếp lại mô hình, thu gọn các đầu mối, tập trung phục vụ lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính; xác định ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động xây lắp và đầu tư kinh doanh BĐS; thực hiện thoái vốn ở hầu hết các đơn vị ngoài ngành, ở các đơn vị kém hiệu quả để tập trung vốn cho các đơn vị chính ngành, giảm đầu tư tài chính, tăng vốn lưu động. Ngoài ra, nên thành lập mới, góp vốn vào một số công ty để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh.
Thương hiệu xây lắp có uy tín
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, Hancorp là đơn vị xây lắp có uy tín trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, với lịch sử 60 năm phát triển, hiếm có một công ty xây lắp nào có một bề dày phát triển như vậy.
Trong suốt quá trình phát triển, Hancorp đã tham gia xây lắp vào rất nhiều công trình quan trọng của Nhà nước đặc biệt là tại địa bàn Hà Nội, mang ý nghĩa chính trị quan trọng.
Ngoài ra, Hancorp cũng là một đơn vị đầu tư BĐS gần như đầu tiên và đến nay đã trở thành một nhà đầu tư có uy tín. Trong bối cảnh so sánh với nhiều Tổng công ty của Bộ Xây dựng, quá trình phát triển qua nhiều biến động nhưng vẫn ổn định và bền vững, từ địa bàn Hà Nội đến nay Hancorp đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trong thời gian tới, hoạt động đầu tư xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn, vì xã hội sẽ tập trung nhiều vào xây lắp hạ tầng hơn là xây lắp dân dụng; Hancorp cần bố trí và thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong Công ty CP.
“Đối với nhiệm kỳ sắp tới Tổng Công ty nên tập trung vào công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp là vấn đề tác động lớn đến sự phát triển, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, việc tái cơ cấu sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn mới để sản xuất kinh doanh” - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Bám sát chủ trương của TP Hà Nội và Trung ương
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả về hoạt động sản xuất kinh doanh của Hancorp. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, là thời điểm có nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với Tổng công ty, vừa phải duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, vừa phải thực hiện đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng từ sự bất ổn của kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp…
“Song, Đảng bộ Tổng công ty đã khẳng định được vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp cổ phần, cùng lãnh đạo Tổng Công ty đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 Đảng bộ Tổng công ty đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nói.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. (Ảnh: Phạm Hùng). |
Đồng tình và đánh giá cao với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là 5 mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của Đảng bộ Tổng công ty Xây dựng Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh một số nội dung: Thứ nhất, Đảng bộ Tổng công ty cần bám sát những chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và TP, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển của Tổng công ty trong giai đoạn mới, trọng tâm là: Tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất kinh doanh đi đôi với việc đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp; phát triển Tổng công ty ở hai lĩnh vực mũi nhọn là xây lắp và đầu tư kinh doanh BĐS, đạt mức tăng trưởng bền vững; phát huy thương hiệu, nâng cao vị thế, hình ảnh HANCORP ở thị trường trong nước và khu vực.
Thứ hai, Đảng bộ Tổng công ty cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác nguồn lực hiện tại; đảm bảo tiến độ, chất lượng đối với từng công trình, dự án, tạo sự đột phá trong việc triển khai, thi công, hoàn thành các công trình, gắn liền với biểu tượng/thương hiệu của Tổng công ty; coi trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại chuyên sâu đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực thi công xây lắp của Tổng công ty.
Thứ ba, chú trọng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức làm chủ thiết bị, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh; đi đôi với giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp trong Tổng công ty. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm trong lao động, sản xuất.
Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là chi bộ; sớm hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy và Hội đồng quản trị Tổng công ty để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút người có đức, có tài, có năng lực thực tiễn đóng góp vào sự phát triển của Tổng công ty.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành mới của Tổng Công ty Hancorp. (Ảnh: Phạm Hùng). |
Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chăm lo công tác bồi dưỡng và phát triển đảng viên, nhất là đối với đội ngũ công nhân, người lao động trực tiếp tại các đơn vị, không để trống tổ chức đảng và đoàn thể ở từng đơn vị thành viên trong Tổng công ty.
Đẩy mạnh phong trào thi đua, yêu nước gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả Tổng công ty. Xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy những giá trị cốt lõi như ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển hiệu quả, bền vững của doanh nghiệp.
Sáng cùng ngày, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ủy ban kiểm tra của Tổng công ty khóa IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; ông Bùi Xuân Dũng - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT Hancorp được tín nhiệm tiếp tục bầu làm Bí thư Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025.