KTĐT - Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh những khu vực thường xuyên phải hứng chịu thiên tai là những vùng tiếp giáp các mảng lục địa và không phải là nơi sinh sống yên ổn, vì vậy "giải pháp duy nhất và lâu dài" và tái định cư cho người dân các vùng này.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 28/10 đã chỉ thị các cấp chính quyền ở những vùng vừa trải qua thảm họa thiên nhiên xem xét việc di dời và tái định cư cho người dân.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau chuyến thị sát các vùng bị tổn thất nặng nề sau trận động đất và sóng thần ở quần đảo Mentawai, tỉnh Tây Sumatra, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh những khu vực thường xuyên phải hứng chịu thiên tai là những vùng tiếp giáp các mảng lục địa và không phải là nơi sinh sống yên ổn, vì vậy "giải pháp duy nhất và lâu dài" và tái định cư cho người dân các vùng này.
Tổng thống Yudhoyono đã rời Hà Nội, Việt Nam về thẳng tỉnh Tây Sumatra hôm 27/10 để thị sát tình hình khu vực này sau thảm họa động đất và sóng thần.
Sáng nay (29/10), ông đã lên đường trở lại Việt Nam để tham dự phiên cuối của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vào ngày 30/10, trong đó Indonesia sẽ chính thức nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2011 do Việt Nam chuyển giao.
Sau trận động đất kinh hoàng mạnh 7,7 độ Richter gây sóng thần ở quần đảo Mentawai ngày 25/10, ít nhất 343 người đã thiệt mạng, trong khi hy vọng cứu sống hơn 300 người mất tích mỗi lúc một mong manh.
Ngày 28/10, một điều kỳ diệu đã diễn ra ở Mentawai, một em bé 10 tuổi đã tìm thấy một bé trai 18 tháng tuổi còn sống bị mắc trên một cây dừa ở đảo Nam Pagai. Cả cha và mẹ của bé trai này đã thiệt mạng trong thảm họa sóng thần.
Hiện em đang được chăm sóc tại trung tâm y tế. Đảo Nam Paigai là một trong số 70 đảo nhỏ thuộc quần đảo Mentawai và là nơi bị tàn phá nghiêm trọng nhất trong đợt thảm họa vừa qua.
Trong khi những hoạt động cứu hộ cứu nạn được khẩn trương tiến hành tại Mentawai, các cơ quan hữu quan của Indonesia bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân vì sao khu vực Tây Sumatra đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần, nhưng trong đêm 25/10 hệ thống này đã không hoạt động.
Quan chức của Cơ quan khí tượng và địa vật lý và Cơ quan thẩm định và ứng dụng kỹ thuật của Indonesia hôm 28/10 xác nhận một số bộ phận của hệ thống này đã bị mất, đặc biệt nghiêm trọng là hai chiếc phao - thiết bị quan trọng nhất của hệ thống cảnh báo sớm. Mỗi chiếc phao này có giá 5 tỉ rupia (tương đương 560.000 USD).
Trong khi đó, giới chức địa phương cho rằng do sóng thần đến sau trận động đất quá nhanh nên không thể thông tin kịp cho người dân, nhất là khi nhiều làng trong vùng đến nay vẫn không có hệ thống điện lưới.
Trong đêm xảy ra sóng thần, trời lại mưa rất to nên hầu hết người dân đều ở trong nhà và đã đi ngủ nên không kịp đối phó.
Trong khi đó, tại tỉnh Trung Java, vào lúc 6 giờ 10 phút sáng nay 29/10 (giờ địa phương), núi lửa Merapi lại phun trào dung nham cùng cột tro bụi nóng bỏng cao đến 2km và xa tới 3,5km. Trước đó, núi lửa Merapi đã có một đợt phun trào vào lúc 4 giờ 30 chiều 28/10.
Tính từ khi núi lửa Merapi bất ngờ "thức giấc" đầu tuần này, đến nay đã có 33 người thiệt mạng và nhiều người gặp vấn đề về hô hấp.
Nhà chức trách vẫn tiếp tục duy trì lệnh báo động đỏ tại khu vực này, đồng thời khẩn trương sắp xếp nơi tạm trú cho hàng chục nghìn người lánh nạn.
Các chuyên gia núi lửa tiếp tục theo dõi hoạt động phun trào của Merapi và dự báo khả năng còn nhiều đợt phun trào mạnh sẽ xảy ra.
Trong một diễn biến liên quan ngày 28/10, một chiếc máy bay của Cảnh sát Quốc gia Indonesia (POLRI) chở hàng cứu trợ tới cho người dân tại khu vực vừa bị lụt lớn ở huyện Oaxiô (Wasior) đã gặp nạn tại Oami (Wami), huyện Oanga (Wanggar, tỉnh Papua).
Toàn bộ 5 cảnh sát trên máy bay đã thiệt mạng, song mới tìm thấy thi thể của ba người. Do thời tiết xấu, chỉ sau khi máy bay cất cánh được 35 phút thì mất liên lạc. Dân làng Oami phát hiện thấy máy bay rơi vào báo cho cảnh sát./.