Công nhân vận chuyển máy móc tới các gian hàng trước giờ Hội chợ Hanover khai mạc. |
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tham dự hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới được thành lập từ năm 1947 này. Hội chợ năm nay diễn ra từ 24 - 29/4 với sự tham gia của hơn 5.000 tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực công nghiệp. Theo lịch trình, Tổng thống Obama cùng Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel tham dự phiên khai mạc Hội chợ Hannover tối 24/4 (theo giờ địa phương0. Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ hội chợ, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cũng sẽ tiến hành hội đàm bàn về các vấn đề cùng quan tâm.
Đại sứ Mỹ tại Đức John B. Emerson cho biết, trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Obama sẽ nỗ lực thúc đẩy TTIP. Hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên dự Hội chợ Hanover kể từ năm 1947. |
Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản do phía Mỹ đưa ra liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó có cơ chế ISDS. Hiện Mỹ và EU đang tiến hành vòng đàm phán tại Washington và vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Brussels vào tháng 7 tới. TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Đây cũng là lý do, Tổng thống Obama muốn thúc đẩy TTIP như một dấu ấn trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Khoảng 20.000 người dân Đức tập trung biểu tình phản đối TTIP. |
Tuy nhiên, tham vọng hoàn tất TTIP của EU và Mỹ đang vấp phải không ít trở ngại. Một số chuyên gia châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của Lục địa già.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, EU đã chấp thuận thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh xung quanh tất cả các hiệp định thương mại, và mở đường nối lại đàm phán về TTIP giữa EU và Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn. Chỉ trước chuyến thăm Đức 1 ngày của ông Obama, hơn 20.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối TTIP. Một bộ phận người dân EU cho rằng, thỏa thuận này sẽ hủy hoại các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.