Tổng thống Putin "bóc" thương mại Nga - EU trước gói trừng phạt mới

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng của năm 2022 hôm 15/12, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với thỏa thuận viện trợ tài chính trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine vào năm tới, và thống nhất sẽ áp thêm trừng phạt lên Nga.

Theo thỏa thuận, EU sẽ cấp cho Ukraine các khoản vay bằng tiền mà Ủy ban châu Âu huy động được trên thị trường nợ, sử dụng các quỹ khác của EU làm tài sản thế chấp. Theo Reuters, Ba Lan đã rút lại những phản đối vào phút chót đối với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và bỏ chặn toàn bộ gói thỏa thuận liên kết bao gồm khoản vay cho Ukraine.

EU đã phải đối mặt với áp lực từ Kiev và Washington yêu cầu tăng cường tài trợ cho Ukraine. Mỹ đã cung cấp gần 32 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2, bao gồm gần 20 tỷ USD cho vũ khí và hỗ trợ an ninh khác. EU cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại với tổng giá trị 10,2 tỷ euro cho Kiev trong năm 2022 nhưng đến nay vẫn còn thiếu 3 tỷ euro.

Reuters dẫn nguồn giới chức ngoại giao EU cho biết, các nhà lãnh đạo của liên minh cũng nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự do Moscow phát động ở Ukraine. Gói trừng phạt mới, dự kiến chính thức được hoàn tất vào hôm nay (16/12), sẽ đưa thêm gần 200 người vào danh sách đen EU và cấm đầu tư vào ngành khai thác mỏ và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác của Nga.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen, EU ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với 3 ngân hàng Nga cũng như các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu mới, đặc biệt đối với các hàng hóa như chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin. Truyền thông EU cũng đưa tin, Hungary đã phản đối các biện pháp trừng phạt Nga do EC đề xuất.

Cũng trong hôm 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các nước EU đã tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Nga trong năm nay bất chấp nhiều vòng trừng phạt mà khối này đưa ra nhằm vào Moscow.

"Thật thú vị khi thấy điều này, bất chấp các lệnh trừng phạt, trong 9 tháng đầu năm nay, việc cung cấp hàng hóa cơ bản tới EU đã tăng 1,5 lần. Nhìn chung, việc xuất khẩu đã tăng 42% trong khi thặng dư thương mại tăng 2,3 lần, lên tới 138 tỷ USD" - ông Putin nói trong cuộc họp với Hội đồng Dự án Quốc gia và Phát triển Chiến lược, cho rằng tình hình này "không thể tiếp tục mãi", vì thế Nga sẽ tìm kiếm các đối tác mới.

Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, Nga đang có kế hoạch chuyển hướng cung cấp các nguồn năng lượng sang thị trường của "các quốc gia thân thiện", đồng thời nói thêm rằng Moscow dự định tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực như châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần