Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga thông báo rằng Tổng thống Putin đã chấp thuận đề xuất của Berlin từ một tháng trước. Tuy nhiên, hiện đại diện của Đức vẫn chưa tới khu vực Eo biển Kerch.
"Hơn một tháng trước, Thủ tướng Merkel đã yêu cầu Tổng thống Putin cho phép các chuyên gia Đức đến giám sát Eo biển Kerch để đánh giá xem tình hình giao thông hàng hải và vấn đề an ninh tại các vùng biển đó được thực hiện như thế nào, liệu có đáp ứng các quy định an ninh quốc tế hay không. Tổng thống Putin ngay lập tức đã đồng ý với đề xuất này”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng, với việc Tổng thống Putin đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Merkel, phía Berlin có thể thực hiện công việc giám sát Eo biển Kerch ngay hôm nay, trong ngày mai hay bất kỳ thời nào.
Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và tình hình đã tiếp tục đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hồi năm ngoái.
Vào ngày 25/11/2018, Nga đã bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng hơn 20 thủy thủ tại Eo biển Kerch gần Bán đảo Crimea với cáo buộc xâm phạm trái phép lãnh hải Nga, điều mà chính quyền Ukraine bác bỏ.
Trong vụ việc này, Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.
Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn các tàu Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.
Hôm 15/1, một tòa án ở Moscow đã ra lệnh kéo dài thời hạn giam giữ đối với 8 trong số 24 thủy thủ Ukraine đến ngày 24/4 tới trong khi chờ xét xử.