Viết trên trang Twitter ngày 13/6, Tổng thống Trump cáo buộc OPEC cố tình tiếp tục đẩy giá dầu lên cao. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra phát biểu tương tự, cho rằng tổ chức này đang giữ giá dầu "ở mức quá cao".
OPEC và Nga đã nhất trí thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ đầu năm 2017 nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung. |
Thỏa thuận cắt giảm của OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã giúp giá dầu tăng 60% so với năm ngoái. Các thành viên trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 cho đến hết năm 2018 nhằm giải quyết lượng dầu dự trữ toàn cầu và vực dậy giá dầu, vốn lao dốc từ mức 110 USD/thùng hồi năm 2014 xuống chỉ còn 30 USD/thùng hồi năm 2016.
Giá dầu Brent sau khi chạm đỉnh lên mức 80,5 USD/thùng trong tháng 5 đã quay đầu đi xuống trong những ngày gần đây nhờ thông tin OPEC và Nga có thể nâng sản lượng. Trong ngày 13/6, giá dầu Brent giao dịch ở mức gần 76 USD/thùng.
Các nhà phân tích nhận định viễn cảnh thị trường dầu mỏ trong nửa năm còn lại là không chắc chắn. Theo kế hoạch, phiên họp của OPEC sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới để xem xét lại chính sách về sản lượng dầu khai thác của tổ chức này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu của Iran và Venezuela sụt giảm có thể buộc OPEC và Nga sẽ quyết định tăng sản lượng khai thác vào cuối tháng này. IEA cũng cảnh báo thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị gián đoạn vào năm 2019 do việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran cũng như tình hình bất ổn chính trị tại Venezuela gây ra.
Trong một diễn biến mới nhất, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman khi ông tới Nga để dự lễ khai mạc World Cup 2018.
Theo người phát ngôn Peskov, hai bên sẽ thảo luận về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu, tuy nhiên hai bên không có kế hoạch thảo luận về việc rút khỏi thỏa thuận này.