Phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh việc này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.
Ông Trump khẳng định: "Ngày hôm nay, Mỹ xác định Triều Tiên là quốc gia bảo trợ cho khủng bố. Điều này lẽ ra phải diễn ra từ lâu, từ nhiều năm trước".
Quyết định trên trên được Tổng thống Trump đưa ra chỉ vài ngày sau khi kết thúc chuyến công du 5 nước châu Á, với nội dung trọng tâm là ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên vào ngày 21/11.
Động thái mới nhất của Washington nhằm cô lập hơn nữa Triều Tiên, cho phép Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, cụ thể là cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí và nhận viện trợ kinh tế.
Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố để tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Việc một lần nữa liệt Triều Tiên vào danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố là động thái mới nhất trong số một loạt biện pháp của Washington nhằm gây "sức ép tối đa" và siết chặt các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/11 tuyên bố chính phủ của ông ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, cho rằng điều này sẽ gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng. Phát biểu với phóng viên, Thủ tướng Abe nêu rõ: "Tôi hoan nghênh và ủng hộ (quyết định của Mỹ đối với Triều Tiên) bởi điều này giúp gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng." Phát biểu hôm 20/11 ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên là nước bảo trợ khủng bố, Ngoại trưởng Tillerson nói động thái này nhằm ngăn cản những “bên thứ ba” có ý muốn ủng hộ Triều Tiên.
Ngoại trưởng Tillerson khẳng định “có nhiều bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt đang có tác động đáng kể lên Bình Nhưỡng”. “Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng một giải pháp ngoại giao. Đây là một phần trong nỗ lực liên tiếp gia tăng áp lực”.