Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 13/2 cho biết cuộc gặp giữa ông và Ngoại trưởng Lavrov sẽ diễn ra tại Hội nghị An ninh Munich, bắt đầu từ ngày 15/2, trong bối cảnh liên minh này đang cố gắng thuyết phục Nga từ bỏ một hệ thống tên lửa mới và quay lại thực thi đầy đủ Hiệp ước INF.
"Tôi hy vọng sẽ gặp Bộ trưởng Lavrov tại Munich và tôi nghĩ điều quan trọng là phải đối thoại với Nga đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn trong thời điểm hiện nay”, Tổng thư ký Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 13/2.
Vấn đề tương lai của Hiệp ước INF, các bước đi sắp tới của NATO trong việc tăng cường khả năng phòng thủ với các tên lửa tầm trung mới của Nga là chủ đề chính trong cuộc họp kéo dài 2 ngày của các bộ trưởng quốc phòng NATO.
Trước đó, Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga từ ngày 2/2 để phản đối việc Moscow triển khai các tên lửa 9M729. Cùng ngày, Nga đáp trả bằng quyết định tương tự.
“Quyết định rút khỏi Hiệp ước INF sẽ có hiệu lực từ tháng 8. Hai bên vẫn còn 6 tháng để cứu vãn hiệp ước này, nhưng ít ai ngờ điều này sẽ xảy ra”, ông Stoltenberg cho hay, đồng thời tuyên bố rằng NATO đã lên kế hoạch chuẩn bị cho “một tương lai không có hiệp ước INF nhưng lại có thêm tên lửa".
Tuy nhiên, Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trên mặt đất ở châu Âu,
Phát biểu trên tờ Vedomosti hôm 13/2, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev chỉ trích rằng, Mỹ muốn rút khỏi (INF để “loại bỏ tất cả những hạn chế trong lĩnh vực vũ khí và giành lại ưu thế quân sự trên toàn cầu”.
Hiệp ước INF được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô (nay là Nga), theo đó cấm tất cả các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.000km. Khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết hiệp ước này tại Washington DC, Mỹ và Liên Xô là 2 nước duy nhất có công nghệ hạt nhân tầm trung.