KTĐT - Với khoảng 8.500 văn phòng đại diện ở 86 quốc gia, HSBC hiện có lượng khách hàng lên tới 41 triệu người và được coi là ngân hàng bán lẻ tốt nhất thế giới.
Các ngân hàng của Mỹ và Anh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng vừa được tổ chức Global Finance đưa ra.
Ngân hàng tư tốt nhất: Credit Suisse (Thụy Sĩ)
Ngân hàng hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực, từ việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng cá nhân đến đầu tư tài chính. Cùng với định hướng xây dựng một ngân hàng bán lẻ, Credit Suisse hướng chú trọng việc chăm sóc khách hàng hơn so với việc phát triển thị trường. Trong quý III/2009, ngân hàng này đạt lợi nhuận 2,38 tỷ USD và được tổ chức Global Finance đánh giá là ngân hàng tư nhân tốt nhất thế giới.
Ngân hàng sát nhập tốt nhất: JPMorgan Chase (Mỹ)
Cũng được Global Finance đánh giá là ngân hàng tốt nhất nước Mỹ, JPMorgan Chase đang sở hữu tổng tài sản hơn 1.600 tỷ USD. Quỹ bảo hiểm rủi ro của ngân hàng này thuộc loại lớn nhất tại Mỹ với giá trị gần 40 tỷ USD. Bộ phận thương mại của ngân hàng này cung cấp cơ sở vốn cho các dự án công, các thỏa thuận hợp tác cũng như rất nhiều tổ chứ tài chính toàn cầu với thị trường vốn có quy mô khoảng 173 tỷ USD.
Ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán tốt nhất: BNP Paribas (Pháp)
Với nghiệp vụ thanh toán quốc tế đưa, các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp lượng tài chính cần thiết cho các giao dịch xuất - nhập khẩu thông qua các thanh toán tín dụng thư (L/C) nhằm giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch này. Có mặt tại 85 quốc gia, cung cấp các dịch vụ đảm bảo thanh toán bất chấp các rủi ro về chính trị hay thị trường, BNP Paribas đạt doanh thu 6,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2009, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2008..
Ngân hàng bán lẻ tốt nhất: HSBC (Anh)
Là loại hình ngân hàng truyền thống nhất, ngân hàng bán lẻ cung cấp các dịch vụ liên quan đến các tài khoản cá nhân như tiết kiệm hoặc tín dụng... Với khoảng 8.500 văn phòng đại diện ở 86 quốc gia, HSBC hiện có lượng khách hàng lên tới 41 triệu người và được coi là ngân hàng bán lẻ tốt nhất thế giới. Lơi nhuận của HSBC trong quý III/2009 đạt 4,3 tỷ USD, cao hơn 700 triệu USD so với 3 tháng trước đó.
Ngân hàng quản lý tài sản tốt nhất: State Street Global Advisors (Mỹ)
Hoạt động tương tự một công ty quản lý quỹ, các ngân hàng như State Street tham gia quản lý chứng khoán và tài sản của các nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) để giúp họ đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Tham gia hầu hết các lĩnh vực đầu tư: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tính đến hết tháng 6/2009, State Street có 2.763 khách hàng với tổng tài sản quản lý lên tới 1.600 tỷ USD.
Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất: Deutsche Bank (Đức)
Ngoại tệ là một phần quan trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế như xuất - nhập khẩu, kinh doanh bất động sản trên thị trường quốc tế hoặc đơn giản là phục vụ nhu cầu đi lại cá nhân. Lợi nhuận trước thuế của Deutsche Bank trong quý III/2009 đạt 1,9 tỷ USD. Ngân hàng số một tại Đức được coi là nhà cung cấp tốt nhất thế giới cho dịch vụ này.
Ngân hàng quản lý tiền mặt tốt nhất: Citi (Mỹ)
Chỉ những ngân hàng thực sự vững mạnh mới đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý tiền mặt do khách hàng sử dụng dịch vụ thường là cho các tổ chức lớn, có nhu cầu thu hộ, chi hộ... Với tổng tài sản trong năm 2009 đạt trên 1.200 tỷ USD, là một trong 3 ngân hành lớn nhất nước Mỹ. Bộ phận quản lý tiền mặt của ngân hàng này chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý dòng tiền, đưa ra các kết quả kế toán theo nhu cầu của khách hàng...
Ngân hàng đầu tư tốt nhất: J.P. Morgan (Mỹ)
Đầu tư là một trong những bộ phận sinh lời nhiều nhất cho JPMorgan Chase. Ngân hàng này có mặt ở khắp các châu lục, cung cấp dịch vụ như tư vấn sát nhập, tham gia thị trường vốn, môi giới, tái cấu trúc, đầu tư mạo hiểm và nghiên cứu... Theo thông tin từ phía JPMorgan, chỉ riêng trong nửa đầu năm, ngân hàng này đã thực hiện 127 giao dịch sát nhập với tổng tài sản 321 tỷ USD trên toàn thế giới.
Ngân hàng lưu ký tốt nhất: The Bank of NY Mellon (Mỹ)
Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các tài sản tài chính, ngân hàng có trụ sở tại New York từng được bầu chọn là ngân hàng an toàn nhất tại Mỹ do Global Finance bình chọn. NY Mellon đang quản lý tổng tài sản lưu ký lên tới 20.700 tỷ USD.
Ngân hàng đại lý lưu ký tốt nhất: HSBC (Anh)
HSBC hiện có mặt tại 39 thị trường chứng khoán tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latin. Ngân hàng này trở thành đại lý uy tín đối với các dịch vụ như lưu ký, quản lý quỹ, môi giới...
Ngân hàng tốt nhất tại các thị trường mới: Standard Chartered Bank (Anh)
Chủ yếu hoạt động và có đến 90% doanh thu đến từ các quốc gia đang phát triển, Standard Chartered hiện có rất nhiều kinh nghiệm tại châu Á, châu Phi, Trung Đông, cung cấp dịch vụ chủ yếu cho các khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Standard Chatered hiện có khoảng 1.700 chi nhánh trên toàn thế giới với số lượng nhân viên khoảng 73.000 người (Nguồn ảnh trong bài: CNBC)