Đã kiểm soát được dịch Covid-19
Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Đại biểu quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện công tác, phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTBC). |
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 30/9, TP đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn với mục tiêu tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, linh hoạt, hiệu quả, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Cũng theo ông Dương Anh Đức: “Qua hơn 10 ngày thực hiện, đến nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, số ca mắc mới trung bình ngày giảm 5 lần so với lúc đỉnh dịch. Số trường hợp tử vong hàng ngày đến nay đã giảm dưới hai con số. Không còn hiện tượng quá tải tại các bệnh viện. Những điều này phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP đã được kiểm soát tốt”.
Theo số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8 đến nay TP đã đạt được những kết quả quan trọng: Triển khai xét nghiệm thần tốc theo kế hoạch được duyệt, hoàn thành 3 giai đoạn với hơn 17,5 triệu mẫu; Tỷ lệ hệ số lây nhiễm giảm rõ rệt, từng bước chuyển hóa các vùng đỏ, mở rộng nhiều vùng xanh; Chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 536 trạm y tế lưu động, hệ thống các tầng điều trị đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận y tế của người dân, từng bước kéo giảm sâu số ca bệnh nặng và tử vong; Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 98% và mũi 2 đạt trên 72% số người từ 18 tuổi trở lên. TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh.
Thời điểm ngày 22/8, TP chỉ có 8,3% tổng số xã, phường, thị trấn thuộc “vùng xanh”; 4,2% thuộc “vùng cam”; 87,5% thuộc “vùng đỏ”; Đến nay có 67,6% tổ dân phố/tổ nhân dân thuộc “vùng xanh”; 10,9% thuộc “vùng cận xanh”; 7,5% thuộc “vùng vàng”; 3,5% thuộc “vùng cam”; 8,7% thuộc “vùng đỏ”.
Cần một chiến lược quốc gia thích ứng tình hình mới
Tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, sau 3 - 4 tháng chiến đấu chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã đạt được thành quả quan trọng. Trong thời gian tới, cần phải giữ được tình hình như thế này và tốt hơn, không cho phép tệ hơn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, cần có ngay chiến lược quốc gia về bình thường mới. Đại dịch Covid-19 đã buộc toàn cầu phải chuyển sang một trạng thái mới gọi là bình thường mới. Công tác phòng chống dịch bệnh được tổ chức ra sao, tổ chức cuộc sống xã hội như thế nào, hệ thống y tế, giáo dục được tổ chức ra sao... chủ trương, chính sách biện pháp phòng chống dịch phải dựa trên giải pháp khoa học, nhìn xa trông rộng. Không thể để xảy ra tình trạng giãn cách, gỡ giãn cách rồi lại giãn cách. Từng bộ ngành phải xây dựng chiến lược thích ứng, rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ cho chiến lược bình thường mới.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, số ca F0 trên địa bàn TP đã giảm khá mạnh do giãn cách kéo dài, ngăn chặn được tình trạng lây lan, đồng thời đã tỷ lệ phủ vaccine trên địa bàn TP đã đạt khá cao.
“Lo lắng khi thấy người dân rời TP về quê, doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn... TP cần có ngay danh sách doanh nghiệp cần hỗ trợ để tăng thanh khoản, chẳng hạn như nhu cầu vay vốn, duy trì sản xuất, trả lương; Giảm tiền thuê đất đến tháng 6/2022 để doanh nghiệp không bị áp lực; Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp khoản chi phí để thực hiện xét nghiệm đến hết tháng 12/2021” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Đại dịch đã để lại cho TP những bài học sâu sắc...
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: TP đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt, chưa từng có do đại dịch Covid-19. Đến nay, TP chưa kịp tổng kết nhưng tình hình tốt lên dần nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh còn nặng trĩu. Trong đại dịch, nhận thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ thắt lưng buộc bụng vượt qua thời khắc khó khăn của đồng bào, doanh nghiệp...
Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 tại UBND TP Hồ Chí Minh. Nguồn TTBC |
“Trong công tác chống dịch, áp dụng giãn cách, TP thực hiện biện pháp nào cũng cân nhắc và khó khăn, chỉ riêng việc đóng chợ đầu mối ảnh hưởng đến 37 tỉnh... Có những lúc TP thực hiện 500.000 xét nghiệm/ngày; Dịch Covid-19 bùng phát trong điều kiện chưa có vaccine; Khi triển khai hỗ trợ an sinh, tiêm vaccine mới thấy TP có đến 14 triệu dân chứ không phải là 10 triệu dân” - ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện tại TP chuẩn bị rất nhiều chiến lược về y tế, phục hồi kinh tế, chiến lược xã hội... để giúp doanh nghiệp nối lại hoạt động, hỗ trợ lực lượng lao động quay về làm việc. Qua đại dịch đã để lại cho TP những bài học sâu sắc...
TP Hồ Chí Minh nên hướng đến nền kinh tế sáng tạo
Mở đầu phần phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những đánh giá về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.
“Gửi lời chia sẻ với Đảng bộ TP Hồ Chí Minh về sự tổn thất, mất mát mà TP phải gánh chịu trong đại dịch, sắp tới chúng ta sẽ có hình thức phù hợp tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã mất trong đại dịch. Đến nay, TP với tinh thần đoàn kết quyết tâm, quyết liệt, huy động nhiều nguồn lực để phòng chống dịch, kết quả giờ phút này đã vượt qua đỉnh dịch... Biểu dương Nhân dân, lực lượng tuyến đầu, đồng bào cả nước, kiều bào nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp... cùng nhau chung tay chống dịch. Đánh giá cao tinh thần nỗ lực chỉ đạo, lãnh đạo của lãnh đạo TP, năng động sáng tạo đưa ra nhiều biện pháp... để đưa TP trở lại bình thường mới trong giây phút này” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Về vấn đề phục kinh tế trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP Hồ Chí Minh chú trọng 5 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế, lưu chuyển hàng hóa, nối lại chuỗi cung ứng lao động và hàng hóa, không ngăn sông cấm chợ, các địa phương lân cận cần hiểu một cách thống nhất.
Thứ hai, khôi phục phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công... nhất là cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, đảm bảo an sinh xã hội, các gói hỗ trợ trong thời gian vừa qua mới chỉ là bước đầu. Tiếp tục huy động nguồn lực để triển khai thêm các gói hỗ trợ khác.
Thứ tư, TP cần tập trung tìm ra động lực mới cho tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế pháp luật.
Thứ năm, TP cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng công nghệ mới. TP nên hướng đến nền kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển, nếu không dễ mất đi “Hòn ngọc viễn Đông”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra 9 nhóm giải pháp để TP Hồ Chí Minh phát triển trong thời gian tới. Theo đó, TP Hồ Chí Minh chịu tác động nặng nhất của đại dịch, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cao hơn mức chung của cả nước; Nâng cao năng lực quản trị thông qua mô hình chính quyền đô thị; Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 (thí điểm phân cấp một số lĩnh vực cho TP - PV) từ đó đề nghị phân cấp phân quyền mới; Sớm xây dựng trung tâm tài chính; Đề xuất Quốc hội thông qua tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23%; Tái cấu trúc, tái kiến thiết sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển hạ tầng, làm nhanh đường vành đai, đấu giá đất, phát hành trái phiếu, lấy tiền để đầu tư phát triển...