Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh xây 4 cây cầu lớn

Theo Minh Quân/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên tổng vốn đầu tư hơn 21.600 tỉ đồng sẽ được TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh xây dựng trong thời gian tới sau khi cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh xây 4 cây cầu lớn  - Ảnh 1

Cầu Thủ Thiêm 4

Trong 4 dự án trên, dự án cầu Thủ Thiêm 4 vừa được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất trình HĐND TP Hồ Chí minh thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 7 tới.

Cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) với Quận 7 có tổng mức đầu tư 4.950 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cầu dài hơn 2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h.

Phối cảnh dự án cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.
Phối cảnh dự án cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, dự án cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư năm 2024. Dự án dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Dự án hoàn thành giúp giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, Thành phố Thủ Đức qua các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới phía Nam TP Hồ Chí Minh.

Cầu Cần Giờ

Cầu Cần Giờ nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài hơn 3,6 km với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo phương thức đối PPP.

Hiện Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án dự án để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.

Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng hình cây đước. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng hình cây đước. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh

Giai đoạn 2023 – 2024, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công cầu Cần Giờ năm 2025.

Cầu Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Cầu đường Nguyễn Khoái

Dự án cầu Nguyễn Khoái nối Quận 7, 4, và 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1, Quận 7 (dự án khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ) đến Quận 1 và có nhánh rẽ xuống Quận 4.

Trước đây, ngành giao thông đề xuất đầu tư dự án bằng vốn ngân sách nhưng thành phố không cân đối được vốn. Cơ chế đặc thù mới đang trình Quốc hội thông qua mở ra cơ hội kêu gọi đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Khoái theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán trả chậm bằng ngân sách.

Thiết kế cầu Nguyễn Khoái. Ảnh: TCIP
Thiết kế cầu Nguyễn Khoái. Ảnh: TCIP

Thời gian qua khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh gồm các Quận 4, 7, 8 có nhiều khu đô thị mới, chung cư đưa vào sử dụng đã thu hút lượng người về sinh sống rất đông. Trong khi đó, khu vực này bị ngăn cách với khu trung tâm bởi kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé, kênh Đôi, và kênh Tẻ.

Việc kết nối khu Nam với khu trung tâm thông qua các cây cầu Nhị Thiên Đường, Chánh Hưng, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ, Tân Thuận và Kênh Tẻ. Tuy nhiên, hiện nay các cây cầu này đều quá tải do chiều ngang hẹp.

Cầu đường Nguyễn Khoái sẽ tạo ra hướng đi mới nhằm giải tỏa ùn tắc cho khu vực này. Khi đó, các xe từ Quận 7 đi Quận 1 (và ngược lại) bằng cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái, cầu vượt kênh Tẻ và cầu vượt kênh Bến Nghé, kết nối liên thông với đường Võ Văn Kiệt.

Cầu đường Bình Tiên

Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km, rộng 30-40 m với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng, nối Quận 6, 8, huyện Bình Chánh, được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP.

Công trình có điểm đầu tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (Quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, rồi chạy qua khu dân cư Bình Hưng trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Cầu đường Bình Tiên giúp giảm kẹt xe cho Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Quân
Cầu đường Bình Tiên giúp giảm kẹt xe cho Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Quân

Ngành giao thông thành phố đặt mục tiêu trình thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm nay, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư khởi công trong năm 2024.

Cầu đường Bình Tiên khi hoàn thành sẽ nối kết thẳng qua Quốc lộ 50, tạo ra sự liên thông của trục Bắc - Nam từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đi về tới điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3. Từ đó giúp tăng kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây.