Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả giá đắt

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức thảm hại nhất trong nhiều năm trở lại đây khiến cho hàng triệu người chăn nuôi điêu đứng và các bộ, ngành, địa phương trong đó có Hà Nội đang cấp bách vào cuộc “giải cứu”.

Ngoài yếu tố thị trường, khâu chế biến còn nhiều bất cập, vấn đề mà nhiều người băn khoăn nhất là bài toán quy hoạch chăn nuôi đang bộc lộ không ít yếu kém.
Nhận định về thực trạng giá lợn hơi lao dốc xuống mức dưới 20.000 đồng/kg, nhiều chuyên gia cho rằng đây là hậu quả tất yếu của sự phát triển quá “nóng” mà thiếu bàn tay quy hoạch, điều tiết của Nhà nước. Điều ấy hoàn toàn có căn cứ khi mà tổng đàn lợn nái cả nước lên tới 4,2 triệu con, gấp hơn 4 lần cường quốc về ngành chăn nuôi lợn như Đan Mạch. Thậm chí, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá, ít nhóm ngành hàng nào lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ về sức sản xuất như chăn nuôi lợn trong vòng 20 năm qua.
Tăng sức sản xuất là tốt, nhưng phải gắn với quy hoạch, nhất là chế biến và đầu ra. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam lại đang rất thiếu điều này. Phong trào chăn nuôi diễn ra ồ ạt ở nhiều nơi, nhất là sau mỗi đợt thị trường được giá. Bên cạnh đó, chất lượng và giá trị gia tăng mang lại từ chăn nuôi cũng là câu chuyện đáng bàn. Dù chúng ta đang sở hữu gấp 4 lần số lợn nái nhưng năng suất sinh sản chỉ tương đương 1 triệu con nái của Đan Mạch! Chưa hết, không chỉ phát triển nóng về số đầu lợn (hiện khoảng 30 triệu con), việc sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã vượt tầm kiểm soát. Thống kê cho thấy, tổng công suất các nhà máy có đăng ký kinh doanh đã đạt trên 31 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn!
Rõ ràng, nhìn vào thực tế trên cho thấy, cả ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi đang bị thả nổi một cách tự do, tự phát, thiếu kiểm soát. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh định hướng chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại, công nghiệp ở những nơi có điều kiện về đất đai và duy trì ở quy mô nhất định. Chính phủ cũng giao các bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh, TP tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Thế nhưng, do thiếu sự quan tâm sát sao trong việc rà soát, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch chăn nuôi từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương đã dẫn đến sự cố “vỡ trận” đàn lợn thời gian qua. Một bài học còn cay đắng hơn cả câu chuyện dưa hấu, hành tím…, bởi thiệt hại của ngành chăn nuôi lớn hơn rất nhiều lần. “Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xắn tay vào làm quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho chăn nuôi” – một chủ trang trại ở Phúc Thọ tha thiết đề nghị.
Trước những khó khăn của ngành, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc để tìm biện pháp “giải cứu”, thậm chí có cả kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không nhân cơ hội này để quy hoạch, tổ chức lại chăn nuôi lợn, mạnh tay loại bỏ đàn lợn giống kém chất lượng cũng như chăn nuôi nhỏ lẻ, thì chỉ sau khi thị trường ấm lên, người dân lại ồ ạt tái đàn và câu chuyện “thừa - cứu” sẽ không bao giờ chấm dứt.