Trong nhóm từ khóa liên quan đến “vấn đề BOT”, có lẽ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài “nổi” chẳng kém BOT Cai Lậy bao nhiêu. Tuy nhiên, trong khi trạm thu phí tai tiếng ở phía Nam đã phải tạm dừng hoạt động suốt 5 năm để sửa sai và mới được thu phí trở lại từ đầu tháng 10/2022, thì BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn ở đó, vẫn thản nhiên thu phí suốt bao năm qua như thách thức dư luận, thách thức luật pháp và khiến lãnh đạo Bộ GTVT bị “việt vị” vì lời hứa sẽ cho trạm thu phí này dừng hoạt động.
Cũng như nhiều trạm thu phí tai tiếng khác trên cả nước, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là một trong những điển hình cho vấn đề “đặt nhầm vị trí” mà hàng loạt dự án BOT giao thông phạm phải. Trạm thu phí này được dựng lên để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Thế nhưng, chẳng biết bằng cách nào nó lại “đi lạc” một mạch từ Vĩnh Phúc về Hà Nội rồi nằm chễm chệ trên một tuyến đường chẳng liên quan gì đến dự án.
Nhiều người còn trào phúng mà rằng, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài phải tự trách mình vì ai bảo lại nằm trên trục huyết mạch nối liền sân bay quốc tế Nội Bài với khu vực nội đô Hà Nội, nơi hàng ngày có biết bao lượt xe qua lại. Thậm chí, khi cầu Nhật Tân hoàn thành, có thêm một tuyến đường từ Nội Bài về Thủ đô nhưng lưu lượng phương tiện hàng ngày chạy qua tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn không hề giảm.
Mới đây nhất, theo xác nhận của Cục Đường bộ (trước là Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đến hết năm 2021, nhà đầu tư tại trạm BOT này đã thu được tổng số tiền lên tới hơn 730 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư tuyến tránh Vĩnh Yên chỉ 531 tỷ đồng. Tức là thu vượt mức đầu tư 199 tỷ đồng, tương đương 37%. Con số này có lẽ không làm nhiều người bất ngờ bởi lưu lượng phương tiện hàng ngày đi qua tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài rất lớn. Con số trên cũng giải thích vì sao trạm thu phí kia mãi không chịu “về nhà” bất chấp sự phản đối quyết liệt của dư luận, của người dân và cả các cấp chính quyền TP Hà Nội.
"Miếng bánh béo bở” nên chả trách BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài lại “mặt dày” đến vậy. Cần biết rằng trong thời gian qua, không dưới 4 lần TP Hà Nội có văn bản kiến nghị Bộ GTVT di dời trạm thu phí này về đúng tuyến tránh Vĩnh Yên. Cùng với đó, không biết bao nhiêu lần người dân Thủ đô đưa ra yêu cầu tương tự. Song, sau tất cả, BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn lừng lững ở đó, như chẳng gì có thể động đến được.
Còn nhớ, vào tháng 6/2022, khi phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi nói về nguyên tắc các hợp đồng BOT ký là có điều chỉnh - tức khi doanh thu tăng sẽ giảm thời gian thu phí đã đề cập đến trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài kèm theo lời hứa sẽ kiểm tra BOT này “khi đủ điều kiện sẽ dừng ngay, không để tạm ở vị trí đó nữa”. Bây giờ, ông Nguyễn Văn Thể vẫn đang là đương kim Bộ trưởng Bộ GTVT và chắc hẳn lời hứa này ông vẫn chưa quên.
Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ GTVT phương án cho trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuy nhiên, trong 4 phương án đưa ra, có tới 2 phương án (là mua lại dự án hoặc mua lại dự án theo phương án tài chính của hợp đồng BOT) rất khó thực hiện; một phương án khác là di chuyển trạm BOT này về đúng vị trí tuyến tránh Vĩnh Yên. Một phương án nữa, trớ trêu thay lại là kịch bản tồi nhất - giữ nguyên vị trí trạm, không tăng giá vé đến hết hợp đồng dự án.
Nếu phương án này được chọn, người dân Thủ đô sẽ phải tiếp tục chịu thiệt thòi, chịu ấm ức thêm 3 năm nữa (đến 16/10/2025).