Trần quân hàm giám đốc công an tỉnh tới đâu?

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) (CAND). Vấn đề nhận được nhiều ĐB quan tâm là quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, và điều chuyển công an chính quy về xã.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Dự kiến điều 25.000 công an chính quy xuống xã, thị trấn

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự Luật này là đưa công an xã, thị trấn chính quy hóa theo chủ trương của Đảng. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Hiện nay số đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy là 1.065; số đơn vị công an xã, thị trấn chưa được bố trí công an chính quy còn 8.516. "Như vậy, để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm trưởng công an xã, thị trấn" – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng tình với đề xuất này, đồng thời lưu ý quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng quân sự địa phương. 

Theo ĐB Nguyễn Văn Giàu (đoàn An Giang): Công an xã là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đấu tranh chống tội phạm. Nếu thông qua Dự Luật CAND sửa đổi, sẽ chi viện về 25.000 công an chính quy, vậy công an xã hiện nay sẽ thế nào. “Tôi ủng hộ phải chính quy hoá lực lượng này, nhất là trong điều kiện sẽ trang bị công cụ hỗ trợ cho họ; nhưng nên chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở để đáp ứng yêu cầu công tác”.

Có quan điểm hơi khác, ĐB Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên): “Công an là lực lượng chấp pháp, phải được đào tạo chính quy chứ không nên loay hoay tại chỗ. Kinh nghiệm của địa phương chúng tôi là nơi nào triển khai được lực lượng chính quy thì người dân rất an tâm”. 
 ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội)
Trần quân hàm giám đốc công an tỉnh tới đâu?
Dự Luật quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo hướng không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Khi thảo luận tại tổ, cũng có những quan điểm khác nhau. Theo ĐB Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên), đề nghị quy định cụ thể trong luật những địa phương mà Giám đốc Công an cấp tỉnh là Thiếu tướng. Quy định như trong Dự Luật là quá mờ, nên nói rõ tiêu chí về quy mô dân số, vị trí chiến lược về an ninh, trật tự; thực tế tình hình an ninh, trật tự ở địa phương để tránh sự áp dụng tuỳ tiện. Nhưng cũng phải tính kỹ để tránh việc cán bộ bị “hút” về những địa phương có trần quân hàm cấp tướng.

Đề cập đến sự liên quan với lực lượng quân đội trên cùng địa bàn, ĐB Chau Chắc (đoàn An Giang) cũng phân vân: Cùng là lực lượng vũ trang trên một địa bàn, nhưng áp dụng luật này sẽ có trường hợp Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, trong khi Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại chỉ là Đại tá. Theo ĐB, số lượng cục được coi “đặc biệt quan trọng” mà lãnh đạo Cục là cấp tướng trong Dự Luật cũng cần tính kỹ, tránh phong tướng quá nhiều…

Đề cập đến vấn đề này, ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, cấp bậc hàm cao nhất đối với cấp cục là Trung tướng, còn Thiếu tướng là Giám đốc công an các tỉnh, thành. Bởi từ 126 Cục, sau khi sáp nhập còn lại 50 - 60 Cục, cho nên nhiệm vụ rất lớn và chức năng rất rộng. Do đó cấp Cục xác định hàm Trung tướng để họ chỉ huy chỉ đạo cũng như cơ chế chính sách.

Còn đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành, nên phân loại vì có nơi là địa bàn trọng yếu, nhiều nơi một năm chỉ 500 vụ việc, nhưng có nơi hơn 1000 vụ việc, như Hà Nội là 6000 vụ việc. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hàm Trung tướng. Ở những nơi có nhiều vụ việc nên chủ trương Giám đốc công an tỉnh, thành là cấp tướng cho tương xứng với nhiệm vụ.

“Với tinh thần sắp xếp lại bộ máy và sau khi phân công lại nhiệm vụ thì 85% công việc nằm ở cấp tỉnh, chỉ 15% nằm ở cấp bộ cho nên muốn tăng thẩm quyền cho cơ sở. Chưa kể bỏ cấp tổng cục thì Giám đốc Công an các tỉnh, thành đều là nguồn cho cấp Thứ trưởng” - ĐB nêu.