Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh cãi nảy lửa, COP28 phải kéo dài thêm thời gian

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc tại Dubai phải kéo dài thêm vài giờ, quá thời hạn đã định ban đầu, khi nhiều quốc gia đang phản đối một thỏa thuận được đề xuất đã cản trở nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber (giữa) tại một phiên thảo luận ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber (giữa) tại một phiên thảo luận ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP

Chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP28, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã nhiều lần hối thúc gần 200 quốc gia trong việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng, trước khi kết thúc cuộc đàm phán chính thức lúc 11 giờ sáng 12/12 (giờ địa phương).

Nhưng sau một đêm tranh cãi căng thẳng, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán có thể hoàn tất, trong khi các nhà đàm phán đang chờ đợi một văn bản mới sau khi nhiều chỉ trích nổ ra về bản dự thảo được công bố hôm 11/12. "Chúng tôi có thời gian và sẵn sàng ở lại lâu hơn" - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết.

Đại diện đến từ Quần đảo Marshall - quốc gia nằm ở độ cao trung bình 2,1m so với mực nước biển và có nguy cơ bị nhấn chìm khi băng tan - cũng khẳng định sẽ ở lại cho đến cùng. Nhà đàm phán của quần đảo Thái Bình Dương John Silk nói rằng đất nước của ông "không đến đây để ký lệnh tử hình chính mình".

Các nhà vận động đã hy vọng hội nghị thượng đỉnh COP28 sẽ thực hiện bước đi lịch sử khi lần đầu tiên kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, vốn chiếm 3/4 lượng khí thải nhà kính được cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nóng lên của hành tinh.

Nhưng phần quan trọng trong dự thảo do Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber - cũng là người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia UAE - đưa ra về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch được cho đã bị giảm nhẹ đáng kể.

Dự thảo cho biết các bên "có thể" thực hiện một số hành động nhất định để giảm lượng khí thải, thay vì nói rằng họ "sẽ" hoặc "phải" thực hiện. Và việc đề cập đến nhiên liệu hóa thạch cũng đã được thay thế bằng thuật ngữ "khí thải" - được coi là một "cánh cửa thoát hiểm" để cho phép các nhà sản xuất dầu tiếp tục gây ô nhiễm.

Nhưng gây phẫn nộ hơn cả là việc đề cập đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã được thay thế bằng thuật ngữ "giảm cả tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch", khác xa với yêu cầu loại bỏ dần dần mà hơn một nửa số quốc gia có mặt đang đề xuất.

Dự thảo mới nhất cũng bao gồm các lời kêu gọi tăng tốc các công nghệ không phát thải và phát thải thấp - cả năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân - bằng ngôn ngữ tương tự như tuyên bố chung đạt được vào tháng trước giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 nước phát thải lớn nhất thế giới hiện nay.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, người đã đoạt giải Nobel Hòa bình vì ủng hộ khí hậu, nói rằng bản dự thảo "trông như thể được viết bởi khối dầu mỏ OPEC". Ông viết trên mạng xã hội X: "Để ngăn COP28 không trở thành thất bại đáng xấu hổ và ảm đạm nhất trong 28 năm đàm phán khí hậu quốc tế, văn bản cuối cùng phải chứa đựng thông điệp rõ ràng về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch".

Theo các nhà khoa học cho biết, Trái đất hiện đã ấm lên 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và năm 2023 - chứng kiến loạt thảm họa chết người bao gồm cháy rừng trên khắp thế giới - có thể là năm ấm nhất trong 100.000 năm qua.

Hội nghị thượng đỉnh Paris năm 2015 đã tán thành tham vọng kiểm soát sự nóng lên ở mức 1,5 độ C - một mục tiêu được tán thành trong dự thảo mới nhất, nhưng các nhà phê bình tin rằng hầu như không thể thực hiện được nếu không có những nỗ lực nghiêm túc theo sau nhằm hạn chế dầu, khí đốt và than đá.

"Tôi không nghĩ có ai ở đây muốn bị gắn mác không làm tròn trách nhiệm... Đây là một cuộc chiến sống - còn" - Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry, người từng tham gia đàm phán Thỏa thuận khí hậu Paris, nói trong một phiên họp kín kết thúc vào khoảng 2:30 sáng 12/12 (giờ địa phương). Ông Kerry ủng hộ những lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, mặc dù Mỹ hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.