Thời gian qua, hoạt động của các tổ hợp tác (THT), HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyển biến, song vẫn còn nặng tính hình thức, hiệu quả thấp. Do vậy, tìm giải pháp "kích hoạt" các HTX phát triển là vấn đề rất quan trọng hiện nay.Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị đánh giá tình hình đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác nông nghiệp diễn ra ngày 14/10 với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hiệu quả thấp
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, THT liên tục phát triển nhanh, tăng bình quân 3,3%/năm. Năm 2013, cả nước có 61.571 THT trong nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, muối… Về HTX, sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực hướng dẫn, triển khai phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng HTX thành lập mới tăng bình quân khoảng 200 HTX/năm. Đến nay, cả nước có 10.339 HTX nông nghiệp với khoảng 6,7 triệu xã viên và gần 800 HTX lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp.
Hợp tác xã rau an toàn Duyên Hà, huyện Thanh Trì tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Ảnh: Quang Thiện
|
Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng quát, hoạt động của các THT và HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), các THT không có tư cách pháp nhân, quy mô nhỏ và ít có hoạt động kinh doanh nên hiệu quả không cao. Còn đối với các HTX, phần lớn chưa thực sự phát huy được vai trò trong nền kinh tế và đối với các xã viên. "Việc chuyển đổi hoạt động của nhiều HTX theo Luật HTX 2012 gặp nhiều khó khăn do công nợ nhiều, tài sản vốn quỹ ít, trên 20% HTX đã dừng hoạt động nhưng chưa chuyển đổi hoặc giải thể được" - ông Trung cho biết.
Thêm vào đó, nội dung hoạt động của HTX còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Số HTX hoạt động có hiệu quả mới đạt khoảng 10%.
Đổi mới về “chất”
Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là THT, HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng. Đây cũng là tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, bản chất của HTX là tổ chức giúp cho người nông dân sản xuất đạt chuẩn từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Do đó, không nên quá nặng nề về trình tự, tổ chức ra HTX bởi sẽ dẫn tới tình trạng "bình mới, rượu cũ". Thay vào đó, cần quan tâm đến nội dung hoạt động, tức là "chất" của HTX. "Hà Nội hiện có 996 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 10% số HTX nông nghiệp của cả nước. Do đó, Chi cục đang phối hợp với Liên minh HTX và các ngành liên quan tìm giải pháp hình thành các HTX đúng luật nhưng phải hoạt động hiệu quả, có sự liên kết và chia sẻ lợi ích với người lao động" - ông Cương cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, việc tìm giải pháp để "kích hoạt" các HTX phát triển là nhiệm vụ then chốt của ngành nông nghiệp. Trong đó, quan điểm của Bộ NN&PTNT là phát triển các THT, HTX theo luật nhưng phải bám sát yêu cầu của thực tiễn, tùy theo điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, từng địa phương để lựa chọn mô hình và chính sách hỗ trợ phù hợp chứ không nhất thiết phải theo khuôn mẫu. Bộ trưởng nhấn mạnh, HTX phải xuất phát từ nhu cầu thực tế mới tồn tại được. Đặc biệt, không thể tách rời HTX với các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Kết quả thống kê cho thấy, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Theo thống kê, số chủ nhiệm HTX có trình độ đại học mới chiếm tỷ lệ 12%, còn lại chủ yếu là cấp 1, cấp 2. |