Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trao 498 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, chiều nay 18/7, Bộ LĐTB&XH tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 498 liệt sĩ.

Đến dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh và thân nhân của các liệt sĩ được suy tôn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời động viên, chia sẻ đến thân nhân các gia đình liệt sĩ đã được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công sau bao nhiêu khắc khoải chờ mong. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xin tỏ lòng thành kính, tri ân trước anh linh và hương hồn của các liệt sĩ.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ. 

“Gần một thế kỷ qua, ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng là trách nhiệm cao cả, tình sâu nghĩ nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay xin ghi lòng tạc dạ và mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp quang vinh của Đảng, dân tộc. 
Và, chúng ta xin hứa trước anh linh, hương hồn của những người đã mất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và Bảo vệ tổ quốc rằng, Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống. Chúng ta sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện pháp, giải pháp để nhanh chóng xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ.”- Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nhấn mạnh.
Báo cáo về công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với cách mạng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không ngừng quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người, gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi NCC đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng NCC ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu NCC với cách mạng. Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.
Ông Nguyễn Minh Đức bên tấm Bằng Tổ quốc ghi công của cha Nguyễn Ngọc Gấm
"Trong số 498 liệt sĩ được công nhận hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp cách đây hơn 70 năm. Có trường hợp cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ. Qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và Nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ. Các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét. Hoặc, ở Hải Phòng có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ kết quả thời gian qua chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh để phấn đấu năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an. Trước mắt tập trung cao độ cho xét duyệt đợt 2/9 và 22/12/2017. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, hơn lúc nào hết ngành LĐTB&XH – cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước về việc thực hiện các chính sách xã hội cần phát huy cao độ các kết quả đạt được trong việc xác nhận hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh trogn thời gian qua . Để từ đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách và thực hiện việc xác nhận NCC với cách mạng. "Chúng ta không để người hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến nay chưa được xác nhận. Chúng ta làm việc này là để phần nào bù đắp những đau thương mất mát của người có công và gia đình họ." - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Đức là con của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm : “Đây là sự ghi nhận đối với gia đình tôi”
Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: "Bố tôi tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952 hy sinh. Năm 1957, chúng tôi đã gửi hồ sơ đề nghị xác nhận là liệt sĩ cùng với 13 gia đình khác nhưng kết quả thì bố tôi không được công nhận. Sau đó chúng tôi mới biết là bị mất giấy tờ gốc nhưng các ban ngành của xã vẫn xác nhận đầy đủ. Nhưng vướng là ở phía bên trên, nên trong suốt thời gian từ đó đến nay, chúng tôi cứ làm đi làm lại hồ sơ.
Hôm nay, tôi rất vui mừng vì bố đã được công nhận là liệt sĩ. Xem báo, nghe đài, tôi thấy trên đất nước ta còn nhiều trường hợp hy sinh xương máu ở các chiến trường nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được xác nhận. Tôi mong các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cố gắng để những gia đình như chúng tôi mau chóng được ghi nhận có công với cách mạng. Việc này không phải vì tiền nhưng đó là sự ghi nhận đối với thân nhân của chúng tôi."