Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, trị giá 19.000 tỷ đồng

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề "Đổi mới - Đột phá - Quyết tâm - Khát vọng".

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng từ hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Hậu Giang cần thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, đồng bộ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền quy hoạch tỉnh. Trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cần chú trọng việc thực hiện liên kết vùng. Trong đó, phải ưu tiên thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phát huy hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, phát huy yếu tố văn hóa, của vùng đất con người Hậu Giang, xem đây là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.

Phó Thủ tướng  Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoà Hội).
Phó Thủ tướng  Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoà Hội).

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, tỉnh Hậu Giang xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển là thực hiện 5 đột phá chiến lược là 1 tâm, 2 tuyến, 3 trung tâm đô thị, 4 trụ cột kinh tế, 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, 1 trung tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh. 2 tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. 3 trung tâm đô thị gồm TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ, trong đó, TP Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Dịp này, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, trị giá 19.000 tỷ đồng; ký kết 8 Biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỷ đồng.