Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Nghệ sĩ vẫn nhiều tâm tư

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quá trình thực hiện, thống kê danh sách những nghệ sĩ, diễn viên hạng IV được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, nhiều đơn vị nghệ thuật Hà Nội đã nhận được những góp ý, chỉ ra những bất cập trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Triển khai kịp thời

Nghị quyết 68 NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã xác định rõ 12 đối tượng được thụ hưởng chính sách. Riêng với lĩnh vực nghệ thuật, đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ được xác định là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Thông tin này nhận được nhiều sự ủng hộ của các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, diễn viên. Bởi trong tháng 6, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV chưa thuộc diện được hỗ trợ. Trong khi từ năm 2020 đến nay, do đại dịch Covid-19, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không có điều kiện biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ lên trên mạng xã hội chia sẻ do dịch bệnh phải bỏ nghề, mưu sinh bằng chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online.
 Nghệ sĩ trẻ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Lại Tấn.
Theo Bộ VHTT&DL cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Chia sẻ về việc hỗ trợ nghệ sĩ, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long Tấn Minh: “Chính sách hỗ trợ cho nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất cần thiết. Vì dịch Covid-19 và đặc thù nghề nghiệp, nghệ sĩ chịu ảnh hưởng trước tiên vì phải dừng hoạt động, đến khi các lĩnh vực được hoạt động, nghệ sĩ cũng chỉ được hoạt động cuối cùng”.

Xác định rõ đối tượng

Theo kiến nghị của Bộ VHTT&DL đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, hoạ sĩ hạng IV trong các đơn vị nghệ thuật công lập hoạt động biểu diễn bởi đây là nhóm có mức lương thấp hơn tối thiểu vùng (dưới 3 triệu đồng/tháng). Căn cứ vào tiêu chí này, đối tượng thụ hưởng là các đạo diễn, diễn viên hạng IV - tốt nghiệp hệ Trung cấp với hệ số lương khởi điểm là 1,86.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng hỗ trợ là đạo diễn, diễn viên hạng IV có một số bất cập. Theo NSND Quốc Anh – quyền Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội: “Qua rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách, Nhà hát có 22 người được hỗ trợ. Tuy nhiên, những người thuộc diện diễn viên hạng IV – tốt nghiệp trung cấp đều là những diễn viên đã làm việc lâu năm, sắp về hưu; hiện bậc lương đã được tăng lên bậc 9 bậc 10, khoảng 4-5 triệu/tháng. Trong khi đó, hầu hết diễn viên trẻ được tuyển vào làm tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng – tương đương với diễn viên hạng III, hệ số lương khởi điểm, bậc 1, sau khi trừ các khoản như bảo hiểm, lương chỉ còn 2-3 triệu lại không thuộc diện được hỗ trợ”.

Cũng có ý kiến như trên, đại diện một số đơn vị nghệ thuật của Hà Nội như Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ: Thực chất diễn viên bậc IV hầu hết đã nâng bậc lương, thu nhập cao hơn diễn viên trẻ lại thuộc đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ. Trong khi thực tế không thể phủ nhận, diễn viên trẻ hiện nay đều là nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nhiều người không còn tâm trí để làm nghề.

Lãnh đạo một số nhà hát cho rằng, họ chưa có dịp để nói ra tâm tư của các nghệ sĩ, diễn viên. Bởi quá trình ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, các đơn vị này chưa được tham gia góp ý. Tuy nhiên, do chính sách của Nhà nước ban hành, các đơn vị nghệ thuật vẫn ủng hộ, tuân thủ thực hiện. Dù vậy, các đơn vị nghệ thuật mong rằng, khi có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch Covid-19, ngành văn hoá nên tổ chức các cuộc toạ đàm, hay tổ chức một cuộc họp trực tuyến để lắng nghe ý kiến của các đơn vị nghệ thuật. Từ đó, cơ quan chức năng có thể linh hoạt, xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Hiện nay, các diễn viên trẻ, các đơn vị nghệ thuật vẫn cố gắng hỗ trợ từ bữa ăn, trợ cấp tiền lương từ nguồn quyên góp, ủng hộ của các nghệ sĩ.