Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai Nghị quyết 19/2018: Mấu chốt vẫn là công tác cán bộ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả việc cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 các năm của Chính phủ vẫn là vấn đề lớn, mà tác nhân chính là do các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

 TS Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)
Những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19 năm 2018 là không dễ dàng nhưng theo TS Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (Ciem) vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực, quan trọng là người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.
Cải cách chưa sâu sát, thực chất

Nghị quyết 19/2018 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh có nói tới thời hạn tháng 10/2018 sẽ ban hành một nghị định về đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, song đến nay chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng là tích cực. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Đến nay, Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ NN&PTNT, GD&ĐT đã rà soát có phương án nhưng chưa có dự thảo Nghị định. Còn các Bộ TT&TT, KH&CN, Quốc phòng, LĐTB&XH chưa rà soát, chưa có phương án cắt giảm. Tốc độ cải cách chậm, quy mô cải cách chưa lớn dẫn đến kết quả cải thiện môi trường kinh doanh không đồng đều. Kinh nghiệm ở những lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thực sự quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét.
Mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020 nhưng hiện nay số DN "chết yểu" bám sát số DN mới thành lập. Chính sách hỗ trợ DN có đúng chỗ không, có đi vào thực chất không, thưa ông?

- Những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận của các DN tư nhân Việt Nam giảm đáng kể, đó là nguyên nhân chính dẫn đến mỗi năm có 6 - 7 vạn DN phải dừng hoạt động. Nếu lợi nhuận tiếp tục giảm, rất nhiều DN sẽ không còn khả năng tồn tại. Đến cuối năm 2017, khảo sát của VCCI chỉ ra 5.719 giấy phép con gây trở ngại cho DN. Do đó, năm 2018, kinh doanh phải được tự do, thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và DN.

Vẫn lo phí đè nặng

Nói về giảm chi phí, trong khi các bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh và các loại phí cho DN, nhưng các bộ, ngành khác lại có động thái không mấy tích cực. Đơn cử, Bộ GTVT với đề án đổi trạm thu phí thành thu giá hay mới đây là Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu. Như thế chi phí cho ngành vận tải, logistics không những có cơ hội giảm mà sẽ tăng rất nhiều, quan điểm của ông thế nào?

- BOT là vấn đề nhức nhối trong mấy năm nay và chắc phải thay đổi, tuy nhiên thu phí hay giá bản chất vẫn là thu tiền của DN và người dân. Thực ra dùng thu phí về ngôn ngữ cũng như về ý nghĩa nó trọn vẹn hơn, tuy nhiên giải thích thu giá để “linh hoạt” không hợp lý lắm. Quan trọng hơn, cần có sự minh bạch, để người dân thấy chi phí BOT đó có xứng đáng, phù hợp hay không.

Nghị quyết 19/2018 yêu cầu bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn 10%; đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Quan trọng hơn, Nghị quyết 19/2018 lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch để tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

Còn thuế môi trường xăng dầu đúng là trong bối cảnh này, bất kỳ hành động nào mà làm gia tăng thêm chi phí cho DN là không nên. Nếu làm như xăng dầu cho thuế môi trường thì phần chi này phải không hòa vào ngân sách chung mà chỉ để chi cho BVMT phát triển những ngành nghề mà tiết kiệm, liên quan đến BVMT ví dụ như năng lượng tái tạo, tạo ra những ngành nghề mới, sản phẩm mới… Hiện nay, nếu tăng thuế xăng dầu người dân không thể tiết giảm xăng dầu, vẫn đi lại, tiêu dùng về xăng dầu và chúng ta lại không đầu tư thêm vào chất lượng về môi trường thì rõ ràng chỉ tăng thu mà không cải thiện về môi trường. Như vậy, ý nghĩa của thuế BVMT bị mất đi.

Ông có thể cho biết, đến nay việc hoàn thiện Đề án giảm chi phí cho DN do Ciem chủ trì đã được thực hiện đến đâu?

- Hiện nay, chúng tôi đã trình Văn phòng Chính phủ. Ngoài chi phí chính thức, chúng tôi rất mong muốn giảm chi phí không chính thức. Điều này chỉ thực hiện được khi chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử, tất cả các dịch vụ công hành chính đều phải thực hiện qua online, không giao tiếp trực tiếp. Bên cạnh đó, chi phí thanh tra, kiểm tra DN cần phải cắt xuống vì mỗi lần thanh tra là một lần DN không những mất thời gian, tiền bạc mà còn mất cả cơ hội kinh doanh.

Cách quản lý lạc hậu

Gần đây nhất, tại hội thảo do Ciem tổ chức, nhiều DN vẫn than về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên cởi, dưới thắt”. Vấn đề này nói rất nhiều nhưng không thay đổi. Vì sao vậy, thưa ông?

- Đứng dưới góc độ quản lý xã hội thì cần nhìn cả một chuỗi vấn đề thì mới thấy được đây là cách quản lý tiền kiểm, mang tính hình thức, các nước phát triển trên thế giới đã bỏ từ lâu. Nếu cho người ta kinh doanh rồi, họ đưa ra sản phẩm thì có hậu kiểm không hay bỏ đó. Đây là một cách quản lý rất lạc hậu, tốt cho cơ quan quản lý. Còn khi DN đưa sản phẩm ra thị trường thế nào thì mặc kệ, không ai quản lý cả.

Người dân, DN liên tục phàn nàn nhưng sự tháo gỡ thì chậm trễ. Tinh thần quản lý phải thúc đẩy phát triển, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm vẫn chưa thấm đến tất cả các công chức, cán bộ, kể cả cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu chính sách. Đây cũng là khó khăn nhất khi ban soạn thảo làm việc với các bộ, ngành là giải trình các đề xuất giải pháp cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Có nơi phải mất tới 6 - 7 tháng vẫn không xin được giấy phép kinh doanh, nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa tạo thuận lợi cho DN, vài hôm lại gọi lên sửa giấy phép, có hôm chỉ sửa vài từ, dấu chấm, phảy nhưng vẫn bị gọi lên, gây ức chế cho DN. Có cơ quan không những không cắt giảm mà còn “đẻ” thêm thủ tục. Nguyên nhân là do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết 19.

Theo ông phải làm gì để công chức không đứng ngoài cuộc? Việc thực hiện Nghị quyết 19 lần này phải thế nào để hiệu quả và theo đúng tinh thần của Chính phủ?

- Nút thắt vẫn là tư duy của những người thực thi trực tiếp, các công chức Nhà nước. Nhiều người trong số họ vẫn đang làm việc theo thói quen, theo lối cũ, tư duy “hành” DN vẫn tồn tại đâu đó. Nếu không có lợi ích gì từ việc thay đổi, thậm chí công việc nhiều hơn, thì động lực thay đổi của công chức ắt sẽ không cao. Vì thế, người đứng đầu cần phải quyết liệt hơn trong cải cách điều kiện kinh doanh thuộc bộ mình quản lý. Hiện nay, số thủ tục Chính phủ điện tử được kết nối với các bộ vẫn rất thấp, cần tăng lên để giúp các bộ hoạt động tốt hơn và minh bạch hóa thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan để đối thoại thường xuyên hơn nữa về các điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa ra phương án bãi bỏ.

Phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và rõ ràng “kỷ cương” được đặt lên hàng đầu. Cho nên cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Kịp thời thay thế các cán bộ, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. So với các Nghị quyết 19 trước, chế tài trong Nghị quyết 19/2018 mạnh mẽ hơn, thể hiện cụ thể tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong hoạt động công vụ.

Xin cảm ơn ông!