Sản xuất phụ kiện động cơ xe ô tô tại Công ty TNHH Kefico Việt Nam, Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương. Ảnh: Huy Hùng |
Đọc lịch sử Đảng ta, tôi luôn tự lý giải vì sao chỉ trong khoảng 10 năm (1931-1941), lần lượt các vị Tổng Bí thư của Đảng ta đều phải hy sinh? Con số ấy thật bất ngờ: Cả 4 vị (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ), họ đều đã ngã xuống vì bị địch truy lùng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn và xử bắn. Hiểm nguy là thế, nhưng khát vọng giành độc lập dân tộc của các bậc tiền bối ấy không có gì lay chuyển nổi.
Rồi đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, với vai trò của một người đại diện cho Quốc tế Cộng sản về lãnh đạo phong trào cách mạng của khu vực, Người đã sớm trở thành linh hồn của cuộc cách mạng ấy khi các công việc được Người tin tưởng giao cho Tổng Bí thư Trường Chinh.
Từ 1941, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng trong một bối cảnh đầy khó khăn, gian khổ và hiểm nguy. Thế nhưng, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo một tổ chức đảng chỉ với trên 5.000 đảng viên, kiên cường đứng lên, vận động toàn dân làm một cuộc cách mạng long trời lở đất như ta biết. Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đất nước ta lại bị chia cắt thành hai miền. Hiệp định Giơnevơ bị phá vỡ, cách mạng lại bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới vô cùng gian khó. Đất nước ta lại xuất hiện một lãnh tụ kiệt xuất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đảng Lao động Việt Nam và sau đó tiếp tục làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam .
Vai trò của đồng chí Lê Duẩn trong lịch sử đất nước rất đặc biệt, không phải là bậc “khai quốc công thần” nhưng đồng chí là người có bản lĩnh và tầm vóc của một vị lãnh tụ kiệt xuất. Nhắc đến Tổng Bí thư Lê Duẩn, không thể không nhắc đến những dấu ấn quan trọng của đồng chí trong cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những sự kiện lịch sử như tham gia soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam (1956), Nghị quyết 15 của BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam (tháng 1/1959) về đường lối cách mạng miền Nam, Chiến dịch Mậu Thân (1968), Chiến dịch mùa Xuân (năm 1975)...
Cũng như Tổng Bí thư Trường Chinh, người từng có những sai lầm trong lãnh đạo Cải cách ruộng đất và tự đứng ra nhận khuyết điểm, xin từ chức, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng có những quan điểm chưa đúng trong tư tưởng chỉ đạo của cái học thuyết “Làm chủ tập thể”, trên con đường xây dựng CNXH sau ngày Thống nhất đất nước 1975. Khi đó, do lạc quan với chiến thắng, đồng chí có phần chủ quan, duy ý chí, điều này đã dẫn tới đất nước khủng hoảng và bị bế tắc về kinh tế ngay vào giai đoạn đó cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Song, đồng chí vẫn là một nhân vật lớn, có tầm vóc lịch sử của Đảng ta.
Khi đất nước đang vào cái lúc gian nguy nhất về kinh tế, đồng chí Trường Chinh đã xuất hiện trở lại với tư cách Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn qua đời. Bằng tư duy “Đổi mới” xuất thần, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định táo bạo sửa đổi văn kiện Đại hội VI của Đảng khi đã cận ngày Đại hội. Vào cái khúc quanh cam go đó, tư tưởng mới mẻ, sáng suốt và bản lĩnh sẵn có ở Tổng Bí thư Trường Chinh đã chứng minh vai trò kiệt xuất của một nhà lãnh đạo cách mạng dạn dày kinh nghiệm. Thực tế đến nay càng chứng minh, con đường mà Đảng ta lựa chọn là hoàn toàn có cơ sở. Lạm phát thời kỳ đó được xem là tốc độ phi mã, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng và hành động có hiệu quả của Chính phủ, chúng ta đã đề ra một giải pháp chống lạm phát và thực hiện thành công, người ta gọi nó là “hiện tượng Việt Nam”. Đến năm 1991, ta đã kéo lạm phát xuống còn 5-6% thì quả là một kỳ tích của công cuộc đổi mới.
Nhờ có tư tưởng và đường lối đổi mới đầy sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh và tiếp tục được các thế hệ sau kế thừa, đất nước ta đã thoát hiểm ngoạn mục đến ngỡ ngàng, điều này khiến cả thế giới phải công nhận, cảm phục.
Không ngừng chống tha hóa quyền lực
Thành quả cách mạng là thế, nhưng nếu không ngừng chống tham nhũng và chống tha hoá quyền lực quyết liệt thì nguy cơ mất chế độ vẫn hiển hiện, đó là vấn đề Đảng ta đã nhận định và đang thực hiện hiệu quả.
Một số liệu của Ủy ban Kiểm tra T.Ư được công bố cách đây tròn một năm, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến hết tháng 12/2018 (tức 3 năm) đã có 53.107 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hàng loạt cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Nay, nhiệm kỳ đã có thêm một năm, dù chưa thấy công bố số liệu mới nhưng chắc chắn, với không khí trong “lò” nóng hừng hực như bây giờ, cũng sẽ có con số cao tương ứng của mức trung bình/năm của 3 năm trước. Đó là cả một cố gắng rất lớn của Đảng ta dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà rất nhiều nhiệm kỳ trước, nếu có cộng lại, Đảng ta chưa bao giờ làm được.
Nhất là gần đây, hàng loạt vụ án được lôi ra ánh sáng để pháp luật trừng trị, không dung thứ bất kể ai, thu về số tiền từ tham nhũng nhiều chưa từng có. Chúng ta phải xem đây như một kỳ tích của Đảng trong đó có vai trò của người đứng mũi chịu sào là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, cuộc chiến với tham nhũng, với tha hoá quyền lực trong nội bộ Đảng ta hiện đang và sẽ là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng và đầy khó khăn, thách thức. Song, sẽ chắc chắn một điều rằng, Đảng đang đi đúng con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tất cả vì đất nước Việt Nam phồn vinh, ổn định, tất cả vì Nhân dân phục vụ.
Từ trong quá khứ lẫn hiện tại của lịch sử Đảng quang vinh 90 năm qua, tất cả đều đã chúng minh một điều: Càng những lúc khó khăn nhất, gian nan nhất, Đảng ta càng có dịp thử thách, trui rèn bản lĩnh nhờ có người lãnh đạo đất nước bản lĩnh, có tầm, có tâm. Nếu người đứng đầu ấy được dân tin, dân yêu, được mọi đảng viên trong Đảng mình tín nhiệm cao; có uy tín cao, đủ sức tập hợp được những cán bộ, đảng viên nòng cốt có trí tuệ, tài năng và đạo đức tham gia lãnh đạo đất nước thì không có gì là không thể.