Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trump đề xuất giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine: Liệu có khả thi?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Tổng thống Mỹ chỉ trích người kế nhiệm khi Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, gồm cả vũ khí hạng nặng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ nên giảm viện trợ vũ khí cho Kiev và nỗ lực làm trung gian để Nga và Ukraine nối lại đàm phán hòa bình.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở Columbia, bang South Carolina vào ngày 28/1/2023. Ảnh: AFP
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở Columbia, bang South Carolina vào ngày 28/1/2023. Ảnh: AFP

"Tôi tin rằng Mỹ nên đứng ra làm trung gian giúp Nga và Ukraiine ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Theo quan điểm của tôi, chính quyền Washington không nên gửi quá nhiều (viện trợ quân sự) cho Kiev," đài RT dẫn lời ông Trump hôm 2/2.

Theo ông, Washington nên thể hiện cách tiếp cận ôn hòa trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine khi bình luận về khả năng Mỹ cấp tiêm kích F-16 cho Kiev.

Ông cũng cho rằng các đồng minh của Washington ở châu Âu phải "làm nhiều hơn nữa" bởi họ mới thực hiện một phần nhỏ so với những gì Mỹ đã và đang làm. "Trên thực tế, xung đột là điều tồi tệ cho tất cả mọi người, song nó ảnh hưởng tới châu Âu nhiều hơn nước chúng ta".

Trước đó, ông Trump từng chỉ trích Joe Biden về phản ứng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cảnh báo viễn cảnh Thế chiến III.

Ông cũng tuyên bố, nếu ông là tổng thống Mỹ thì cuộc chiến Nga-Ukraine đã "không có cơ hội xảy ra".

Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi các nước phương Tây thông báo sẽ viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Mỹ và đồng minh.

Vào cuối tháng 1, chính phủ Mỹ đồng ý viện trợ 31 xe tăng chủ lực M1 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng từ chối yêu cầu này. Ngay sau đó, Đức cũng thông báo chuyển 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine và Pháp nói sẽ viện trợ một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.

Tính đến ngày 25/1, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh với tổng trị giá hơn 27 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm pháo hạng nặng, xe tăng, hệ thống phòng không và phương tiện chiến đấu bộ binh.

Tuy nhiên, hôm 30/1 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự tương lai. Trong khi đó, ông Josep Borrell - Đại diện chính sách An ninh và Đối ngoại EU, ngày 1/2 cho biết các nước trong khối đang bất đồng về kế hoạch gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine.

Ukraine đã yêu cầu phương Tây gửi hàng chục chiếc F-16, máy bay chiến đấu một động cơ do General Dynamics và Lockheed Martin thiết kế cho Không quân Mỹ vào những năm 1970. Quân đội Ukraine muốn nhận được hỗ trợ về không quân trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn ở phía Đông và phía Nam, nơi quân đội Nga đã chiếm được.