Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Đông - Bắc Phi: Sức ép gia tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Isarel - lực lượng Hamas có hiệu lực hôm 21/11, cuộc sống ở Dải Gaza của Palestine và các khu vực miền Nam Israel dần trở lại bình thường.

Nhưng nguy cơ gây nên bất ổn tại Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục hiện hữu khi đạn pháo vẫn bay trên bầu trời của Dải Gaza và các cuộc biểu tình phản đối Hiến pháp mới tại Ai Cập đang diễn biến khó lường.

Đúng như dự đoán, mối bất hòa kéo dài nhiều thập niên qua giữa Isarel và Hamas không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ của một thỏa thuận ngừng bắn. Trên thực tế, chỉ ít giờ sau khi thỏa thuận dựa trên nguyên tắc “ngừng bắn đổi lấy ngừng bắn” có hiệu lực, 12 quả rocket từ Dải Gaza đã rơi xuống lãnh thổ Israel.
 
 
Trung Đông - Bắc Phi: Sức ép gia tăng - Ảnh 1
 
Người biểu tình Ai Cập phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Mursi tại quảng trường Tahrir ngày 25/11.

 

Trong một động thái đáp trả, hôm 22/11, đơn vị biên phòng Israel đã nổ súng bắn vào nhóm cư dân Dải Gaza tụ tập để cầu nguyện gần đường biên giới. Giữa lúc các bên tham gia cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 1 tuần này đang bận bịu tổng kết chiến thắng, người ta bắt đầu thấy lo ngại về sự lớn mạnh về tiềm năng quân sự của các phong trào đấu tranh tại Palestine.

Lần đầu tiên trong lịch sử đối đầu Israel - Palestine, hơn 1.500 quả rocket từ Palestine đã bay đến tận Tel Aviv và Jerusalem. Vị thế của Hamas được nâng lên nhờ các cuộc thăm viếng của các quan chức ngoại giao hàng đầu khu vực. Với đảng cầm quyền Likud của Thủ tướng Netanyahu, sự cứng rắn trong cách ứng xử với Hamas được cho là một bước đi chiến lược nhằm kiếm tìm sự ủng hộ của cử tri khi tổng tuyển cử tại Isarel đã được ấn định vào cuối tháng 1/2013.

Tuy nhiên, con số gần 200 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương cùng những thiệt hại vật chất khoảng 300 triệu USD mà hai nước phải gánh chịu đã phản ánh một sự thật là những toan tính chính trị của các bên tham gia cuộc xung đột trên đã hoàn toàn thất bại. Người dân Israel đã công khai phàn nàn rằng, quyết định cứng rắn của Chính phủ nhằm vào Hamas là nguyên nhân gây ra các trận mưa tên lửa từ Dải Gaza. Bản thân những người dân Palestine vốn đã sống trong tình cảnh khốn khó, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Hamas và Isarel càng khiến họ dễ bị tổn thương hơn.

Trong khi đó, tại Bắc Phi, làn sóng biểu tình phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Mohamed Mursi vẫn tiếp diễn đã làm dấy lên lo ngại Ai Cập sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng mới. Tại Thủ đô Cairo, cảnh sát đã phải sử dụng súng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình tại quảng trường Tahrir. Theo kế hoạch, những người phản đối ông Mursi sẽ tổ chức một cuộc biểu tình quy mô vào ngày 27/11.

Như vậy, bên cạnh các vấn đề về khôi phục kinh tế, ổn định lại xã hội, Tổng thống Mursi đang phải đối mặt với một sức ép chưa từng có kể từ khi ông này nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. Đó là cuộc đấu tranh quyền lực giữa lực lượng Hồi giáo và chính thể trước vẫn chưa chấm dứt, khi những thế lực trong giới kinh tế, quân đội, cảnh sát và tư pháp muốn phục hồi thể chế cũ vẫn còn rất mạnh.