Hải đăng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Subi của Việt Nam. |
Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng các hải đăng trên Biển Đông từ năm 2015. Đến nay, 4 trong 5 công trình phi pháp được xây dựng đã đưa vào sử dụng, bao gồm hải đăng trên đá Subi, Châu Viên, Gạc Ma và mới đây nhất là hải đăng tại đá Chữ Thập, đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc vẫn liên tục bao biện, việc xây dựng và cải tạo phi pháp các công trình ở Biển Đông là nhằm đem lại lợi ích của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả hàng hải dân sự. Trước thềm phiên tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết, Bắc Kinh liên tục bác bỏ thẩm quyền của tòa và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào. Ngày 11/7, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu tuyên bố, Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự và không nên được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh lớn giữa các nhà lãnh đạo Á - Âu tại Mông Cổ vào cuối tuần.
Hội nghị Á - Âu (ASEM) năm nay sẽ là sự kiện đầu tiên các nhà ngoại giao quan trọng gặp gỡ sau phán quyết của tòa PCA đối với vụ kiện của Philippines - Trung Quốc về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. “Hội nghị thượng đỉnh ASEM không phải là nơi thích hợp để bàn thảo về vấn đề Biển Đông”, ông Khổng Huyễn Hựu phát biểu trong cuộc họp báo. Ông Khổng Huyễn Hữu còn đổ lỗi rằng, nếu có những căng thẳng ở Biển Đông, đó là vì một số quốc gia ngoài khu vực đã can thiệp vào vấn đề nội bộ khu vực, ý nhắm đến Mỹ. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn cáo buộc Mỹ đứng sau giật dây hành động đệ đơn kiện của Philippines lên tòa quốc tế. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Bắc Kinh tham gia vào việc chuẩn bị cho ASEM dự báo, không thể tránh khỏi việc những tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh, dự kiến sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel.