Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc, Nga, Nam Phi tăng cường hợp tác quân sự ở Ấn Độ Dương

Cựu Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tập trận giữa Nga, Trung Quốc và Nam Phi, mang tên Mosi II, bắt đầu hôm 22-2 và kéo dài 10 ngày ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nam Phi.

Tàu Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga tại cảng Cape Town của Nam Phi. Ảnh: Reuters
Tàu Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga tại cảng Cape Town của Nam Phi. Ảnh: Reuters

Cuộc tập trận hải quân chung với tên gọi "Tập trận Mosi II" năm nay giữa Nam Phi, Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương là cuộc tập trận hải quân chung lần thứ 2 giữa ba nước này, có nghĩa là không tạo tiền lệ, nhưng lại được thế giới để ý đến hơn nhiều so với lần đầu tiên diễn ra vào năm 2019. Mosi có nghĩa theo tiếng Tswana ở Nam Phi là khói và khói này bốc lên ở Nam Phi khiến cả thế giới phải để ý đến.

Hải quân Nam Phi hiện không mạnh và cả Trung Quốc lẫn Nga hiện cũng bị hạn chế rất đáng kể về khả năng hoạt động của hải quân ở những vùng biển đại dương xa xôi. Phối hợp hành động quân sự ở các vùng biển xa đương nhiên là mục tiêu của việc tập trận hải quân chung ba bên này nhưng rõ ràng không phải là mục tiêu chính và càng không phải là mục tiêu duy nhất của họ.

Ở đây, việc tăng cường hợp tác quân sự phục vụ trước hết cho quan hệ hợp tác chính trị ba bên chặt chẽ hơn và tin cậy hơn.

Nam Phi là đối tác chiến lược quan trọng thuộc diện hàng đầu của Nga và Trung Quốc ở châu Phi. Trung Quốc và Nga là những đối tác giúp Nam Phi có thể hiện diện và trực tiếp tham gia cuộc chơi chính trị chiến lược toàn cầu. Cả ba đều là thành viên của nhóm Brics cùng với Ấn Độ và Brazil. Brics cùng với Nga và Trung Quốc đều có thể trở thành những con bài đối trọng rất đắc dụng đối với Nam Phi trong quan hệ của quốc gia châu Phi này với Mỹ, EU và các nước khác trong khối Phương Tây.

Điều khiến thế giới phải để ý đặc biệt đến cuộc tập trận hải quân ba bên năm nay này là nó được Nam Phi, Nga và Trung Quốc tiến hành đúng vào thời điểm một năm ngày bùng phát cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Vào dịp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin khẩu chiến nhau quyết liệt về chính và tà, về nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến, cáo buộc tội lỗi và quy kết trách nhiệm liên quan đến cuộc chiến. Ông Biden tuyên bố hậu thuẫn Ukraine cho tới khi Nga chịu thua ở Ukraine. Ông Putin khẳng định quyết tâm giành về chiến thắng cuối cùng ở Ukraine. Hai người này báo hiệu cuộc chiến ở Ukraine còn dai dẳng và quyết liệt cũng như loại trừ hoàn toàn mọi cơ hội cho đàm phán về giải pháp chính trị hoà bình khi bên nào cũng hạ quyết tâm thắng.

Cũng vào dịp này, Trung Quốc tung ra đề nghị 12 điểm nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Đề nghị này của Trung Quốc được Nga hoan nghênh trong khi vấp phải phản ứng rất dè dặt và không được coi trọng của Mỹ và EU.

EU vừa quyết định gói thứ 10 các biện pháp trừng phạt Nga. LHQ thông qua nghị quyết lần thứ 7 về cuộc chiến ở Ukraine bất lợi cho Nga mà cả Trung Quốc và Nam Phi đều bỏ phiếu trắng.

Qua đó có thể thấy sự trùng hợp về thời điểm diễn ra cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga, Trung Quốc và Nam Phi ở ngoài khơi bờ biển Nam Phi không thể là ngẫu nhiên mà là chủ ý và sự chủ ý này bao hàm nhiều ẩn ý.

Bộ ba này muốn thể hiện Mỹ, EU, nhóm G7 và đồng minh của họ không thể tập hợp và lôi kéo được tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào cùng phe cánh của họ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine để đối địch, cô lập và làm khó Nga.

Bộ ba kia phát đi thông điệp ra thế giới bên ngoài rằng chính trị thế giới hiện tại không phải chỉ có mỗi chuyện cuộc chiến ở Ukraine và Mỹ cùng đồng minh không chi phối hoàn toàn chương trình nghị sự thời sự của chính trị thế giới. Trung Quốc và Nam Phi qua đó tăng cường vị thế của họ trong chính sách và chiến lược của Mỹ và đồng minh nói chung và liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nói riêng. Và bộ ba vẫn có cuộc chơi địa chiến lược và chính trị thế giới riêng của họ.

Nga được lợi nhiều hơn cả. Qua đấy, Nga có thể chứng tỏ không bị phe kia cô lập về chính trị, vẫn có đối tác và tập hợp lực lượng có lợi cho Nga trên thế giới, vẫn có những đồng minh chiến lược quan trọng trên những phương diện nhất định ở các vùng cách xa nước Nga về địa lý.