KTĐT - Trong thế kỷ thứ 14, tiểu thuyết gia La Quán Trung đã viết tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Tiểu thuyết này cũng lấy nhiều cảm hứng từ tuồng.
Người dân Trung Quốc dường như đang có những suy nghĩ mới tích cực hơn về nhà chính trị và quân sự lừng danh thời Tam quốc, Tào Tháo.
Tào Tháo giờ đây đã có thể yên nghỉ trong sự thừa nhận của các con cháu, Trung Hoa nhật báo nhận xét.
Trong nhiều thế kỷ, Tào Tháo nổi tiếng là minh chủ công bằng, thiên tài quân sự, đối xử với thuộc hạ bằng tình thâm, tài giỏi thi ca, binh nghệ. Tuy nhiên, có không ít tai tiếng xung quanh nhà quân sự lừng danh. Điều này có thể thấy qua việc câu thành ngữ: "nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến" với hàm ý điều không hay tới.
Chính vì thế trong nhiều thế kỷ qua, rất ít người Trung Quốc công khai thừa nhận họ là hậu duệ của Tào Tháo. Thực trạng này khiến cho gia phả của ông rất khó xác định, một hiện tượng hiếm có đối với một nhân vật có tầm quan trọng lịch sử như vậy.
Tuy nhiên, sau khi mộ của Tào Tháo được phát hiện ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam tháng trước, một người mang họ Tào ở tỉnh Giang Tây đã lên tiếng rằng anh là một trong những hậu duệ đời thứ 82 của Tào Tháo. Một vài ngày sau đó, hàng chục người cũng nói rằng họ có chung nguồn gốc với ông.
"Điều đó cho thấy rằng người dân bắt đầu nhìn Tào Tháo đúng như bản thân con người ông", Liang Mancang, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc từ thời nhà Hán đến nhà Ngụy (206 trước Công nguyên đến 265 sau Công nguyên) nói.
Theo Liang, hình ảnh Tào Tháo bắt đầu bị bóp méo vào thời nhà Đường (năm 618 đến 907). Những sử gia theo Nho giáo của thời này do không thích việc Tào Tháo chiếm ngôi của nhà Hán nên đã miêu tả ông là một nguyên mẫu phản diện vô liêm sỉ.
Trong các vở tuồng Trung Quốc, nhân vật Tào Tháo thường được bôi mặt trắng toát, thể hiện bản chất dối trá, phản bội. Mặt trắng tương phản với mặt đỏ - thể hiện sự chính trực và trung thành, hay mặt đen tượng trưng cho tính cách dữ dội, thẳng thắn.
Trong thế kỷ thứ 14, tiểu thuyết gia La Quán Trung đã viết tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Tiểu thuyết này cũng lấy nhiều cảm hứng từ tuồng.
Mặc dù vậy, qua nhiều thập niên, nhờ sự phát triển của khảo cổ học Trung Quốc và sự quan tâm của công chúng ngày càng lớn với lịch sử, đã có những nỗ lực xem xét lại hình ảnh tiêu cực về Tào Tháo.
Một trong những nỗ lực gần đây nhất là chương trình truyền hình giảng dạy của đài CCTV đã rất thành công, trong đó giáo sư Yi Zhongtian thể hiện những quan điểm độc đáo khi giảng về tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa". Nhân vật ưa thích của ông trong tác phẩm này không ai khác chính là Tào Tháo, người được ông miêu tả là "một anh hùng bội bạc nhưng đáng yêu".