Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: Trẻ em trầm uất vì học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khảo sát tiến hành trên các em từ 9 đến 12 tuổi ở miền đông Trung Quốc cho thấy hơn 80% lo lắng quá mức về các kỳ thi, hai phần ba sợ bị thầy cô phạt và gần ba phần tư sợ bị bố mẹ đánh.

KTĐT - Khảo sát tiến hành trên các em từ 9 đến 12 tuổi ở miền đông Trung Quốc cho thấy hơn 80% lo lắng quá mức về các kỳ thi, hai phần ba sợ bị thầy cô phạt và gần ba phần tư sợ bị bố mẹ đánh.

Một phần ba số trẻ em tiểu học Trung Quốc đang phải chịu đựng sự căng thẳng tâm lý do hệ thống giáo dục nhiều áp lực và các bậc phụ huynh quá kỳ vọng.

Tờ Telegraph đã làm một phóng sự dựa trên nghiên cứu của giáo sư tại đại học London Therese Hesketh về những áp lực mà trẻ em tiểu học ở Trung Quốc phải chịu, dẫn đến tình trạng trầm uất ở các em.

Khảo sát tiến hành trên các em từ 9 đến 12 tuổi ở miền đông Trung Quốc cho thấy hơn 80% lo lắng quá mức về các kỳ thi, hai phần ba sợ bị thầy cô phạt và gần ba phần tư sợ bị bố mẹ đánh.

Ở một phần ba số trẻ được hỏi, tình trạng căng thẳng được thể hiện qua các dấu hiệu thể chất như những cơn đau đầu và đau dạ dày.

"Sự căng thẳng ở những thanh niên Trung Quốc đã được ghi nhận qua những vụ tự tử đình đám của học sinh trung học, nhưng có rất ít nghiên cứu về các em bé tiểu học", giáo sư Hesketh cho biết.

"Vấn đề phát sinh khi các em lên 6, bước vào trường học và cảm thấy bị ám ảnh về chạy đua thứ hạng với các bạn học sau những kỳ thi hàng tuần. Và bọn trẻ cảm thấy căng thẳng cực độ".

Chính sách một con của Trung Quốc đồng nghĩa với việc rất nhiều trẻ em lớn lên cùng với bố mẹ và hai bên ông bà. Tất cả sự chú ý của cả nhà tập trung đặc biệt vào các em, thúc giục các em phải thành công. Trong một đất nước với 1,3 tỷ người, việc giành một suất vào đại học, kiếm một chỗ làm trong lĩnh vực công và học lên cao là cả một quá trình đầy cạnh tranh.

Với trẻ nhỏ, hàng núi bài tập về nhà và hàng giờ các hoạt động ngoại khóa cũng là chuyện phổ biến. Tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc nỗ lực để đứa con duy nhất của họ phải hơn những người khác.

"Khát vọng của nhiều bậc cha mẹ, những người lúc trước không có điều kiện học tập, giờ đây đổ dồn vào đứa con một của mình", nghiên cứu cho hay.

Nghiên cứu cũng tiến hành so sánh mức độ căng thẳng ở trẻ em nông thôn và thành thị Trung Quốc. Đối với thành thị, nghiên cứu tiến hành trên 2.191 học sinh ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Đối với nông thôn, nghiên cứu lấy bối cảnh một khu vực nghèo ở Khúc Chu.

Kết quả cho thấy căng thẳng ở trẻ em nông thông có dạng khác. Sự khác biệt này bắt nguồn từ hệ thống giáo dục truyền thống của Trung Quốc, đề cao tư tưởng Nho giáo, tuân thủ tuyệt đối thầy cô và việc học phần lớn là đọc chép.

Dale Rutstein, phát ngôn viên của UNICEF ở Trung Quốc, nhận xét: "Ở nông thôn, chúng tôi vẫn nhận thấy tình trạng học vẹt và đang cố gắng hướng đến mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm".

"Tuy nhiên, ở những thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng hải, hệ thống giáo dục tiến bộ và chất lượng hơn. Nhưng do kỳ vọng của con người cũng tăng cao nên vẫn đặt nhiều hơn áp lực lên trẻ em. Điều này không phải là hiếm ở những nền kinh tế đang chuyển đổi, có thể thấy tình trạng tương tự ở Nhật Bản và Hàn Quốc".

Bên cạnh vấn đề áp lực, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu hệ thống giáo dục truyền thống theo kiểu mệnh lệnh của Trung Quốc có thích hợp để sản sinh ra một thế hệ trẻ có tư duy độc lập cho một nền kinh tế tri thức hiện đại hay không.

Jimi Sides, một giáo viên Mỹ ở Trung Quốc hai năm qua, cho biết anh cảm thấy những đứa con một của Trung Quốc tương đối thiếu sáng kiến và khả năng giao tiếp.

"Tôi có thể nói rằng chúng không phải là những đứa trẻ hư nhưng chỉ là những người đi theo, không phải là những nhà lãnh đạo. Chúng thiếu động lực để làm việc tập thể và để đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả và đúng lúc", Sides viết trên tờ Global Times của Trung Quốc.

"Đã từng giảng dạy ở hai trường Trung Quốc khác nhau trong hai năm qua, tôi lo lắng rằng việc đào tạo khả năng lãnh đạo dường như thiếu vắng đối với những trẻ em nước này".