Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc trước thềm thượng đỉnh với Nga, Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đang thực hiện một hành động cân bằng trong ngoại giao bằng cách tiến tới cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời tái khẳng định hợp tác với Nga, trong bối cảnh Bắc Kinh dự kiến có cuộc gặp cấp cao với cả hai vào mùa Thu năm nay.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Han Zheng hôm 18/9 đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New York, bày tỏ hy vọng về mối quan hệ lành mạnh và ổn định, đồng thời cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là một lợi ích hơn là một rủi ro đối với phía Mỹ.

Động thái diễn ra sau cuộc đàm phán kéo dài 12 giờ vào cuối tuần qua tại Malta giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, trong đó hai bên nhất trí theo đuổi các cuộc thảo luận cấp cao hơn nữa trong những tháng tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là nằm trong chương trình nghị sự của cả hai, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tại San Francisco là một địa điểm tiềm năng.

Ông Vương Nghị dự kiến sẽ tham dự phiên thảo luận chung từ ngày 19/9 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York và gặp gỡ ông Blinken để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh bên lề APEC.

Bên cạnh đó, ông Vương Nghị cũng tới Nga và hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov hôm 18/9 trước đó. Ngoại trưởng Trung Quốc tái khẳng định mối quan hệ giữa hai nước, nói rằng Bắc Kinh và Moscow nên tăng cường hợp tác chiến lược trước "các hành động đơn phương, chủ nghĩa bá quyền và đối đầu khối ngày càng gia tăng".

Hôm 19/9, ông Vương Nghị cũng đã gặp Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.

Hãng tin Tass của Nga dẫn lời Patrushev cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán song phương thực chất giữa Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 10”. Ông Tập đã mời ông Putin tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường vào tháng tới.

Bắc Kinh dường như đang nhấn mạnh sự hợp tác của mình với Moscow với mục đích hướng tới Washington, nhằm đạt được những nhượng bộ trước hội nghị thượng đỉnh với ông Biden.

Về phần mình, Washington hy vọng sẽ mở lại cuộc đối thoại giữa quân đội hai nước để giúp tránh các cuộc đụng độ vô tình và ngăn Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong chiến sự tại Ukraine.

Cho đến nay, chưa có nhiều tiến triển về các đối thoại quân sự. Một quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán ở Malta cho thấy "những dấu hiệu hạn chế" về sự quan tâm của Trung Quốc trên mặt trận đó.

Trở ngại lớn nhất là vấn đề của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Li Shangfu, người mà Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018. Bắc Kinh viện dẫn các lệnh trừng phạt này khi từ chối yêu cầu của Mỹ về một cuộc gặp giữa ông Li và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ở Singapore vào tháng 6 vừa qua.

Tại cuộc gặp với ông Putin vào tháng tới, ông Tập dự kiến sẽ khẳng định sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine. Có hy vọng rằng việc ủng hộ hòa giải sẽ giảm bớt áp lực lên Bắc Kinh từ Washington và những nước khác.

Mặt khác, việc mở rộng quan hệ đối tác với Moscow có thể làm tăng thêm căng thẳng với Mỹ. Chính quyền ông Biden đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, khẳng định việc cung cấp vũ khí sát thương sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ông Sullivan nhắc lại những quan ngại này trong cuộc gặp với ông Vương cuối tuần trước.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang tiến gần, chính quyền Biden lưu ý đến những động thái "ngày càng diều hâu" của Bắc Kinh. Chính phủ của ông Tập Cận Bình đang quan ngại về các vấn đề của nền kinh tế. Cả hai quốc gia đều phải đối mặt với giới hạn về quân bài ngoại giao mà họ có thể vận dụng.