[Truyện ngắn] Chị ở quê lên

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít lâu nay, Hoàng thường tránh đi xa trong những ngày lễ, tết, nhất là những kỳ nghỉ dài ngày khi mọi người đổ xô về các khu nghỉ mát, du lịch. Anh bảo, mọi người đi cả, mình ở Hà Nội tận hưởng những ngày yên ả, thanh bình…

Dịp nghỉ lễ 2/9 này cũng vậy. Hoàng bàn với vợ con: Nhà mình sẽ ở Hà Nội, đón bác Hằng lên chơi. Bố muốn nhớ lại những ngày Tết Độc lập năm bố bằng tuổi thằng cu Ken này…
*****
Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cứ gần đến Quốc khánh 2/9, Hà Nội lại đông vui hơn hẳn. Người ta kéo về Hà Nội bằng đủ phương tiện. Những chuyến tàu hỏa từ mạn Yên Bái, Lào Cai hay Lạng Sơn, Bắc Giang xuôi về. Những chuyến xe ca từ Nam Định, Thanh Hóa ra. Hà Nội những ngày ấy rộn rã hẳn lên. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu treo trên phố. Các công sở, cơ quan chăng đèn kết hoa. Những năm đó, bất kể là năm chẵn hay năm lẻ, đều có lễ duyệt binh tại quảng trường Ba Đình, sau đó đoàn quân đi qua các phố chính trong tiếng quân nhạc hùng tráng. Và buổi tối ngày Tết Độc lập, pháo hoa nở bừng trên bầu trời thành phố, in xuống bóng nước Hồ Gươm trong tiếng đàn, tiếng hát vang lên từ sân khấu ngoài trời dựng trước cửa Ngân hàng Trung ương chỗ vườn hoa Chí Linh. Quốc khánh 2/9 là ngày hội thực sự của toàn dân.

Dịp ấy, nhà nào cũng có khách. Bọn trẻ con trong khu phố, khi gặp nhau, câu chuyện thường xoay quanh các vị khách:

- Bác tao ở Phú Thọ về. Bao nhiêu là chuối. Có cả chuối khô, ngọt lừ.

Để chứng minh, thằng Quang chìa miếng chuối khô bằng ngón tay trỏ, dính mật màu nâu đỏ, cho mỗi đứa cắn thử một miếng bé xíu.

- Mai bác tao mới lên. Bác tao đi tàu thủy cơ. Mai mẹ tao bảo cho tao đi xích lô ra đón bác! Thế nào cũng có quả mít to đùng…

Hoàng vừa nói, vừa giơ tay làm cữ để lũ bạn hình dung độ to của quả mít.
*****
Đã hơn nửa thế kỷ, Hoàng vẫn còn nhớ rõ những cảm xúc ngày thơ bé khi được ra bến Phà Đen đón bác từ quê lên. Gần nhà có một bác xích lô quen, mẹ đã dặn từ hôm trước. Tầm giữa chiều, bác qua đón hai mẹ con, bao giờ chiếc xe cũng được soạn sửa tinh tươm. Tàu thủy đi từ Thái Bình lúc sáng sớm. Vì ngược dòng trong mùa nước nên phải tầm 4 - 5 giờ chiều mới tới Hà Nội. Có khi còn muộn hơn. Thật hồi hộp khi có ai đó kêu to: Tàu lên rồi! Lúc ấy, Hoàng thường cố dõi theo con tàu từ xa, mới đầu nho nhỏ, sau to dần. Khoái nhất là lúc chị Hằng, người bao giờ cũng đi cùng bác xuất hiện ở mạn tàu, đưa tay vẫy vẫy, gọi thật to: Hoàng ơi, chị đây!

Ông bà ngoại sinh được ba người con, hai gái một trai. Cậu lại mất sớm, còn mỗi hai chị em gái nên mẹ Hoàng với bác rất thương nhau. Mỗi năm, dịp 2/9 bao giờ bác cũng lên Hà Nội. Còn mẹ hay cho Hoàng về quê ngoại ăn Tết Nguyên đán.

Thích nhất là lúc được ngồi giữa mẹ với bác trên xích lô. Chiếc xích lô lúc đi thì nhẹ nhàng, lúc về lặc lè những dó, bị, thúng. Toàn những quà quê. Đã thế, bác xích lô còn gác một tấm ván ngang thành xe để chị Hằng ngồi vắt vẻo trên đó, tay ôm khư khư giỏ trứng gà lót trấu.

Những ngày bác với chị Hằng lên chơi là những ngày thật vui. Bác lên, mang bao nhiêu là thức ăn. Na, hồng, chuối, ổi…, vườn nhà có gì bác đều dành dụm để mang lên làm quà. Món Hoàng mê nhất là niêu cá kho ủ trấu. Ăn những con riếc, con bống khô cong, nhừ nục cả xương không sợ hóc, cu Hoàng cứ thắc mắc không biết bác kho thế nào mà tài vậy. Sướng nữa là những ngày ấy, có chị Hằng, mấy chị em đều được miễn việc nhà. Nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo... chị Hằng tranh làm hết. Tất cả giống như hồi chị Hằng còn ở với bố mẹ. Chị bảo để chị làm nhoắng một cái là xong, với lại làm cho đỡ nhớ. Có chị Hằng nên bố mẹ cũng dễ tính hơn, cho phép mấy chị em đi tàu điện lên Bờ Hồ ăn kem, vào Bách hóa Tổng hợp “xem” hàng hóa. Sáng sớm 2/9, chị gọi cả lũ dậy thật sớm, mua cho mỗi đứa một cái bánh mì pa tê rồi ra xí chỗ xem duyệt binh trên phố Trần Hưng Đạo. Buổi tối cơm nước xong, mấy chị em lại lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa, xem ca nhạc. Vui là vậy nên khi chị với bác về lại quê ngoại Thái Bình, cả lũ, nhất là Hoàng ngẩn ngơ mất mấy hôm.

Chị Hằng là con một người bà con xa với mẹ Hoàng. Nhà đông con, ông bà cho chị Hằng lên ở với bố mẹ, chủ yếu là trông Hoàng, lúc ấy vừa đầy tuổi tôi. Cơm nước, chợ búa đã có bác giúp việc lo. Tính chị mau mắn, nhanh nhảu nên bố mẹ Hoàng rất quý, coi như con cháu trong nhà, không phân biệt kẻ ăn người ở. Sau này, phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần sợ mang tiếng, bố mẹ Hoàng cho bác giúp việc về quê. Chỉ còn chị Hằng lo việc nhà vì lúc ấy Hoàng đã lớn, có thể đi mẫu giáo. Chị còn ở với gia đình Hoàng vài năm nữa. Về quê, nhưng năm nào cũng vậy, cứ 2/9 là chị theo bác lên Hà Nội. Được ít năm thì chị lấy chồng, một anh bộ đội phục viên. Anh chị lấy nhau, đẻ một thôi 4 đứa con vừa trai vừa gái. Anh người hiền lành, ăn ở với bố mẹ Hoàng như một chàng rể. Mỗi khi lên chơi, anh hay giành làm những việc nặng, từ thông cống, quét mạng nhện, chẻ củi…

Riêng đối với Hoàng, anh chị coi như đứa em ruột thịt. Mỗi lần gặp, nhất là khi Hoàng đi bộ đội về, vào đại học, hễ gặp là anh hay chị lại dúi cho ít tiền, “để mà cắt tóc”!

Hồi Hoàng cưới vợ, anh chị lên trước mấy ngày, tha lôi đủ thứ từ gạo nếp, gạo tẻ, và cả một lồng gà.

Nhiều lúc Hoàng cứ nghĩ, chẳng biết với những gia đình khác thì thế nào, nhưng với gia đình anh, từ lúc còn bố mẹ, đến vợ chồng anh và bây giờ là các con anh, chị Hằng luôn là người ruột thịt.
*****
Lý do vợ chồng Hoàng đón chị Hằng lên chơi dịp 2/9 này là vì họ sắp chuyển nhà. Căn nhà nằm sâu trong ngõ có mảnh vườn nho nhỏ giờ đây đã trở nên quá rộng với hai vợ chồng. Các con đã phương trưởng, mỗi đứa đều có cơ ngơi riêng. Họ muốn bán căn nhà, chia cho con cái một ít, còn đâu thì hai vợ chồng dưỡng già. Ăn hết nhiều, ở chẳng bao nhiêu. Một căn hộ ở chung cư, mọi sinh hoạt đều ở một mặt bằng là thích hợp. Nhà đã có khách mua, thời hạn giao nhà đã chốt. Hoàng muốn đón chị lên chơi lần cuối ở ngôi nhà mà hai chị em đã có nhiều kỷ niệm.

Tiếng là lên chơi Tết 2/9, nhưng suốt mấy ngày chị Hằng chẳng chịu đi đâu. Chị bảo, nhớ em, nhớ cháu thì lên, chứ pháo hoa, với duyệt binh, ca nhạc chị xem bao bận rồi còn gì.

Những ngày ở chơi, chị Hằng hay kể chuyện ngày xưa. Chị cười phô hàm răng chỉ còn mấy chiếc mà kể cho cả nhà nghe chuyện lột hết quần áo để cu Hoàng trần trùng trục lê la trên vỉa hè, chị thì tha hồ chơi chuyền, nhảy lò cò. Gần đến giờ bố mẹ đi làm về, lôi em ra máy nước công cộng, tắm rửa sạch sẽ, mặc lại quần áo tinh tươm nên lúc nào cũng được khen trông em giỏi.

Loanh quanh, bao giờ cũng lại về chuyện bố mẹ. Chị cứ bảo, không bao giờ quên ơn bố mẹ, gầy dựng cho chị như con cháu trong nhà. Vui miệng chị khoe, nhờ mẹ giữ hộ tiền, lâu lâu lại mua cho chỉ vàng nên lúc về nhà chồng chị có được cái vốn kha khá. Chị còn bảo, dạo này chị hay mơ thấy bố mẹ, chắc là sắp theo các cụ.

Sáng ấy, sau khi ăn bát xôi lúa vợ Hoàng mua về, hai chị em ngồi uống chè xanh ngoài hiên, tự nhiên Hoàng rưng rưng:

- Bán nhà này em chỉ tiếc cây mít.

- Cậu rõ lẩn thẩn. Tiếc gì chả tiếc…

- Có nhẽ em lẩn thẩn thật. Cơ mà cây mít này lấy giống từ vườn nhà bác ở quê, chị mang lên trồng. Năm nó bói quả lần đầu, mẹ cứ nhắc con Hằng chẳng lên mà ăn.

- Cậu lại làm chị nhớ bố mẹ rồi. Chị Hằng lấy vạt áo chấm nước mắt.

Hai chị em cứ chuyện trò thủng thẳng cho đến non trưa, lúc vợ Hoàng đi chợ về. Ngắm người chị đã ngoại bảy mươi, chợt Hoàng giật mình. Làm sao mà chị Hằng lại giống mẹ anh thế. Cũng cái dáng hiền lành, tần tảo mà nhanh nhẹn. Cũng nếp khăn tà áo ấy. Mà cũng lạ, mấy chiếc áo cánh của mẹ, Hoàng giữ lại đưa cho chị, suốt bao nhiêu năm chị vẫn mặc. Chị còn khoe, chiếc áo dài lụa của mẹ chị vẫn giữ cẩn thận và dặn con gái: “Khi nào tao đi theo bà thì mặc cho u”!

Vợ Hoàng thì bảo: Chắc chị ở với mẹ lâu, thật lòng quý mến nhau nên mới giống như vậy. Riêng Hoàng, bằng những trải nghiệm của mình, từ những kỷ niệm bao nhiêu năm qua, anh tin rằng tình cảm tốt đẹp có thể nảy sinh giữa những con người vốn không cùng dòng máu. Như gia đình anh với chị Hằng.

Tự nhiên Hoàng lại nghĩ đến những ô sin thời nay…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần