Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Chuyện ở Athenes

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi trưa, sau khi tham quan khu thành cổ Acropolis, cậu hướng dẫn viên quê Tiền Giang định cư ở Hy Lạp dẫn Trung cùng mấy người bạn đến một quán ăn dành cho người bản địa trên con phố mua sắm Ermou nổi tiếng một thời của Athenes.

Đến Athenes vì công việc, nhưng Trung và mấy đồng nghiệp ở một tổ chức phi chính phủ quốc tế cố dành chút thời gian thăm thú thành phố bên bờ Địa Trung Hải này. Quán Tilixto, nơi họ ăn trưa không lớn, nhưng nổi tiếng với các món nướng ăn kèm với loại bánh mì đặc biệt của Athenes. Quán nhỏ mà đông khách bởi món thịt heo nướng xiên rất ngon, tẩm ướp hương vị đặc biệt. Vì quán hầu như chỉ có người bản địa lui tới nên khá yên tĩnh và giá cả cũng phải chăng. Cũng như nhiều quán ăn ngon của Việt Nam, khách không chỉ đến ăn tại chỗ mà còn mua mang về. Cô bé đứng quầy có vóc người thanh mảnh, mái tóc vàng óng và nụ cười thân thiện không lúc nào ngơi tay.
 
Trời đẹp, mấy anh em chọn một bàn kê ngay dưới bóng cây ô liu bên hè phố tận hưởng không khí trong lành cùng làn gió mát dịu trong ánh nắng vàng một ngày hè miền Địa Trung Hải. Nhưng cũng vì ham ngồi ngoài trời mà họ gặp chút phiền nhiễu nho nhỏ. Thỉnh thoảng lại có người đến xin tiền. Dù những người ăn xin khá lịch sự, chỉ đưa mảnh bìa viết mấy chữ đại loại “Tôi là người tị nạn - Xin giúp đỡ”, nhưng cũng gây chút bất tiện, nhất là khi ta đang ngồi trước xiên thịt nướng thơm nức cùng li bia sủi bọt vàng óng. Có lẽ vì cái cảm giác bị làm phiền ấy mà nhóm bạn đã từ chối một cô bé đi cùng mẹ và đứa em nhỏ. Mới nhìn thì cũng biết mấy mẹ con là người tị nạn đến từ Trung Đông. Khác với những người ăn xin khác, khi bị từ chối thì bỏ đi ngay, mẹ con cô bé này vẫn quanh quẩn gần chỗ mấy bàn ăn đang đông khách của quán. Thật ra lúc đầu, khi người mẹ chìa tay ra, Trung đã dợm tay định tìm những đồng xu lẻ, nhưng gặp ánh mắt như ngăn cản của cô bạn đồng nghiệp, anh lại ngừng lại. Những người bạn đi cùng đều còn trẻ, họ cho là Trung quá dễ mủi lòng. Cũng có thể họ cho rằng cho người ăn xin, mà họ gặp khá nhiều ở thành phố này, mấy đồng bạc lẻ không phải là một cách làm hay. Có lẽ họ cũng đúng, bởi họ đều là nhân viên của tổ chức phi chính phủ quốc tế mà mục đích hành động là đem lại sự no ấm, bền vững cho những người bị đẩy ra bên lề xã hội với những dự án có khi lên cả triệu euro.

Rồi mấy anh em cũng bị cuốn vào câu chuyện mà quên đi cô bé. Cho đến lúc ăn xong, trả tiền Trung mới lại thấy cô bé. Lúc này nó đã ngồi vào bàn bên cạnh, mắt chăm chắm nhìn vào khay đồ ăn thừa. Đó là chỗ hai cô gái người Hy Lạp vừa ngồi. Khay thức ăn trên bàn còn lại khá nhiều. Lúc này Trung mới ngắm kĩ đứa bé. Nó chừng 7 - 8 tuổi, gương mặt xinh xắn, mang nét đặc trưng của người Trung Đông. Cặp mắt thơ trẻ, đẹp mà buồn của nó đang nhìn như bị hút vào chiếc đùi gà ăn dở cùng những miếng khoai tây chiên vàng ruộm. Một chút, ánh mắt nó lại hướng về phía người mẹ, đang bế đứa em đứng gần đó như khẩn cầu, xin phép. Đúng lúc cậu trai chạy bàn định dọn khay thức ăn thừa, thì người mẹ gật đầu nhè nhẹ như cho phép. Và cũng thật may, đúng lúc đó cô gái đứng quầy có mái tóc vàng ngăn cậu trai lại và làm một cử chỉ như khuyến khích con bé bình tĩnh ngồi ăn, rồi quay ra cười thân thiện với người mẹ. Tự nhiên trong Trung thấy trào lên cảm giác như là biết ơn với cô gái dễ mến ấy. Trước lúc rời đi, Trung thấy người mẹ cũng bồng đứa con nhỏ ngồi vào bàn. Có lẽ bởi được nụ cười của cô gái tóc vàng khuyến khích.

Suốt buổi chiều đi thăm những thắng cảnh của Athenes, thỉnh thoảng Trung lại bị ám ảnh về hình ảnh mẹ con cô bé. Anh cứ tự trách mình về việc không cho cô bé ít nhiều ngay từ lúc đầu, mà lại cả nể trước những người bạn đồng hành. Cũng không trách được họ. Đến từ một đất nước mà nhiều khi thật giả lẫn lộn, nơi mà những câu chuyện về người ăn xin chuyên nghiệp, ban ngày lê lết chìa tay nhận từng đồng bố thí của thiên hạ, tối về lại hưởng một cuộc sống đầy đủ còn hơn cả những người cho họ tiền. Nơi mà những đứa trẻ bị bêu nắng, dầm mưa, bởi những kẻ chăn dắt để lợi dụng lòng trắc ẩn của mọi người. Nơi mà những người ăn xin vì không toại nguyện có thể trở mặt ngay với người mà chỉ một phút trước đó họ vừa cầu xin với vẻ mặt vô cùng thảm thiết để được giúp đỡ. Có lẽ bởi vậy mà cũng như họ, Trung ít khi mềm lòng trước những người ăn xin. Nhưng trường hợp này Trung thấy mình dường như đã sai. Đơn giản là anh đã bỏ qua ánh mắt của một đứa trẻ đang đói. Anh cũng đã bỏ qua sự gắng gỏi cố giữ chút lòng tự trọng của người mẹ mà trước khi bị cuốn vào cơn vùi dập tàn bạo của chiến tranh có lẽ cũng có một công việc tử tế, một mái nhà ấm yên. Điều đó có thể thấy qua trang phục đã cũ, song sạch sẽ của ba mẹ con.

Bằng kinh nghiệm cuộc sống, Trung biết khi người ta chấp nhận ăn đồ ăn thừa của những người không quen biết, ngay nơi công cộng trước con mắt bàn dân thiên hạ thì quả là họ đã đến bước cùng cực, đáng được giúp đỡ. Mấy đồng euro lẻ dúi vội vào tay người mẹ với vẻ lúng túng trước ánh mắt của nhóm bạn cùng đi cũng không làm Trung bớt nặng lòng. Sự giúp đỡ nhỏ nhoi ấy có giúp họ kéo dài thời gian chờ đợi cho đến khi nhận được sự trợ giúp căn cơ của một tổ chức quốc tế nào đó? Là một đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh, rồi trở thành một người lính, Trung thấu hiểu những nỗi đau, sự khốn khổ mà cuộc chiến gây ra với những người dân thường vô tội. Trung cũng đã từng gặp ánh mắt thèm thuồng của những đứa trẻ theo ba mẹ chạy ra Vĩnh Linh sơ tán từ vùng mới giải phóng Quảng Trị mùa hè năm 1972 trước xoong cơm lính đạm bạc, mà đấy là chúng vẫn đang ở trên đất nước của chính mình…

Nhìn những đồng nghiệp trẻ vô tư tạo dáng chụp hình phía trước nhà thờ Thánh Giooc trên đỉnh Lycabettus, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Athenes, Trung đoán chắc rằng hình ảnh người mẹ Trung Đông cùng hai đứa con nhỏ đã không còn đọng lại chút gì trong họ. Cũng không thể trách gì họ, những người may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã im tiếng súng. Dù vậy, Trung tự nhủ, sẽ có lúc anh chia sẻ với những bạn đồng nghiệp trẻ suy nghĩ của mình. Anh muốn nói với họ: Chiến tranh luôn là một điều phi lý. Và trong mọi cuộc chiến, người thua rốt cuộc bao giờ cũng là những người dân!

Athenes- Hà Nội, 6/2018