Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Đường còn xa lắm

Hà Hương Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều vàng, nắng rung rinh trên tán cây vú sữa ngoài hiên làm nhỏ lên khoảng sân những lổ đổ sáng tối.

Tôi nghe nhạc, chiếc máy tính cá nhân nhả ra những bản không lời du dương êm dịu. Lòng tôi nôn nao, chộn rộn, trái tim đang mơ một giấc mơ, trí óc vướng nhiều câu hỏi chưa thể nào có câu trả lời ngay được.
Trước khi đưa ra quyết định, tôi đắn đo bao nhiêu điều về cuộc sống của mình. Một chàng trai ba mươi hai tuổi, tuyệt đối không nên có bất cứ một quyết định mang tính trọng đại như nghề nghiệp cuộc đời mà lại bị sai lầm được nữa. Con người, khi hai mươi tuổi có thể có nhiều quyết định sai lầm, kịp thời sửa đổi vào khoảng thời gian sau đó. Ở độ tuổi ngoài ba mươi như tôi, nếu sai lầm thì cuộc đời xem như chấm hết!
 

Người nghệ sĩ chơi piano mang đến cho tôi một cảm giác bình yên, cuộc sống nhẹ tênh như bến mơ, có gia đình, người thân, bạn bè, công việc ổn định, thu nhập ổn định, có điều kiện để làm những gì mình thích. Tiêu chuẩn để xây dựng một mái ấm gia đình nho nhỏ hoàn toàn nằm trong tầm tay, người yêu thương tôi mong muốn điều đó.

Tôi quen Mơ vào một ngày Chủ nhật mưa rơi lất phất, trời âm u thấp thĩn với những đám mây xám ngắt, con đường quanh vào hẻm nhỏ có nhiều ổ gà, ổ vịt. Mơ bị té trật chân, đoạn đường nông thôn vắng bóng người, tôi lao vào Mơ như một cơn lốc, hấp tấp, vội vã như chăm lo cho người thân của mình, làm tới làm đại để mong cho chân người lạ hết đau. Chiếc xe tay gas đời mới nằm nghênh ngang một góc, kế đó là một ổ gà sâu, nguyên nhân làm Mơ bị mất tay lái.

“Cảm ơn anh nhé! Anh có thể cho em xin số điện thoại được không ạ? Hôm nào em mời anh ly cà phê”. Mơ mạnh miệng nói trước.

“Chân em hoàn toàn bình ổn chưa? Em cảm thấy thế nào? Không còn đau nữa chứ? May sao, lúc nào anh cũng mang theo bên mình chai dầu nóng”.

“Dạ! Em đi lại bình thường rồi anh ạ! Anh làm nghề gas lâu chưa? Hôm nào nhà em hết gas, em gọi anh nhé!”.

Chuyện tình yêu tưởng chừng như sẽ đến đoạn kết như những câu chuyện tình có kết thúc đẹp khác, anh nắm lấy tay em đi đến hết cuộc đời. Nhưng bên trong tôi còn có một con người khác, một con người mà Mơ không dễ dàng gì sẻ chia, một con người ẩn chứa trong đó nhiều biến động khó lường. Mơ chỉ cho tôi một chọn lựa, hoặc từ bỏ giấc mơ và cưới Mơ làm vợ, hoặc chia tay Mơ và thực hiện giấc mơ của mình. Chàng trai ba mươi hai tuổi đứng trước chọn lựa không hề an yên.

Lòng tôi pha trộn mọi cảm xúc vừa dâng trào yêu thương, vừa đầy tiếc nuối, vừa hạnh phúc vì được có cơ hội để một lần thử sức với đam mê mà chính tôi theo đuổi, xây đắp suốt mười hai năm nay, vừa mang nhiều nỗi vấn vương về một cuộc sống thực tế khá vui vẻ của mình. Mỗi ngày, chở gas cho bà con hàng xóm, tôi có cảm giác mình đã thuộc về nơi này, sinh ra, lớn lên, đi đủ nơi đủ chốn, cuối cùng vẫn lại về quê hương, quê hương là chùm khế ngọt. Có Mơ thì sẽ không có đam mê, có đam mê thì sẽ không có Mơ, chọn lựa nào cũng ít nhiều làm tôi đau khổ khôn nguôi.

***

“Bao giờ bạn ra Hà Nội?”

“Dạ! Tầm đầu tháng ba em đi anh ạ!”.

Tôi quen anh Hoàng theo như cách hàng tỷ người làm bạn trên khắp hành tinh này. Kết nối, kết nối, kết nối. Lần đầu tiên tôi biết đến anh là qua facebook của một người bạn, người bạn này tôi biết đến là qua facebook của một người bạn khác, người bạn khác kết bạn với tôi qua một facebook khác. Thật tuyệt vời khi chúng ta không biết gì về nhau, ngoại hình, giọng nói, ánh mắt, thái độ, cách hành xử, nghĩa là không giáp mặt nhau, nhưng lại có thể làm bạn, tâm sự cùng nhau.

Năm nay tôi quyết định từ bỏ tất cả, tôi đã đam mê ngành học này hơn mười hai năm qua. Chim cần về rừng, cá cần quay trở lại ao hồ, tôi không muốn mình làm một nắm hương tàn nằm trên mộ địa thời gian do cái ông hoàn cảnh xếp đặt.

Ngày tôi quyết định dứt khoát như thế, Mơ đã khóc, nước mắt tuôn ròng rã. Tôi chênh vênh, không biết con đường mình muốn bươn qua là đúng hay sai. Nước mắt Mơ làm tôi nghẹn ngào. Có lẽ nào em yêu tôi đến thế?

“Nếu yêu, em có thể đợi anh năm năm nữa”. Tôi bảo.

“Vâng! Em sẽ đợi anh!”. Giọng Mơ mềm nhũn ra như chiếc bánh bao nhúng nước.

Tôi biết rằng Mơ không đợi được. Mơ muốn lấy chồng. Một người con trai sống thực tế hơn tôi, yêu Mơ hơn tôi, có điều kiện kinh tế khá giả hơn tôi. Bên cạnh tôi, Mơ yêu và được yêu, nhưng Mơ không hoàn toàn hạnh phúc.

***

“Bao giờ bạn ra thì báo trước cho mình tầm một tuần, mình sẽ hỏi phòng trọ cho, có một người bạn của mình đang ở ngoài đó”.

“Ủa! Anh hết ở ngoài Hà Nội rồi sao?”. Tôi ngạc nhiên, vì cứ đinh ninh, rằng mình sẽ được ở chung trọ với một nhà văn mới nổi. Lúc trước anh bảo, nếu có ra Hà Nội thì ở cùng anh. Tôi vui lắm, vì đâu mà hai con người chưa từng gặp nhau đến một lần lại có cảm giác thân thiết, gần gũi như anh em bạn bè lâu năm thì tôi không rõ, tôi chỉ biết một điều, tôi muốn ở cùng anh. Văn anh hay, tôi đọc vài truyện của anh trên một tờ văn nghệ uy tín, tôi tin anh sẽ sớm trở thành cây bút trẻ đình đám trên văn đàn nay mai.

“Ừ! Mình về quê rồi bạn ơi!”. Thông tin làm tôi cay cay khoé mắt. Nhiều câu hỏi vụt ra trong tiềm thức tôi.

***

Mẹ bị đau, phải nằm viện, bất ngờ lớn xảy ra trong hiện thực của tôi, vào thời điểm tôi đã sẵn sàng để lên đường. Hiện thực luôn đầy những bất ngờ. Công việc chở gas, tôi làm suốt hơn hai năm qua, xem như đã xử lý xong, tất tần tật vật tư của cửa hàng đã được bàn giao lại cho người có tiềm năng phát triển kinh doanh hơn. Có lẽ mẹ buồn vì tôi muốn ra đi mà đau không nhỉ? Làm kinh doanh gas, sống cùng mẹ già, ở quê, cuộc sống thật êm đềm biết bao, sao tôi lại muốn thay đổi. Tất cả mọi thay đổi, ít nhiều luôn làm tổn thương đến một ai đó, một cái gì đó đã từng có trước đó. Tôi đã từng mơ mình sống được với nghề kinh doanh, cưới vợ và ở nhà với mẹ. Giấc mơ lộng lẫy nguy nga về con đường văn học, từ từ rồi sẽ đắp xây. Nhưng không, tôi không muốn mình đánh mất đi chính bản thân mình.

Mẹ già nhìn tôi với ánh mắt buồn bã, có lẽ mẹ đau và mệt. Nằm viện đã hơn nửa tháng, bác sĩ vẫn chưa nói rõ ràng về bệnh tình của mẹ. Nhìn ánh mắt mẹ, trong tim tôi nhoi nhói. Tôi thực tình không muốn rời xa mẹ, như tôi thực tình không muốn chia tay Mơ.

“Hôm nay sẽ đưa bà đi kiểm tra nhé! Nếu bà khỏe thì cho bà về!”. Vị bác sĩ trưởng khoa tim mạch bảo.

“Dạ!”. Tôi cúi đầu chào bác sĩ.

Chiếc xe đẩy bệnh nhân đi làm phẫu thuật kiểm tra mạch vành tim đưa đến, anh điều dưỡng cao tầm mét bảy có nước da ngăm ngăm bảo mẹ cởi hết quần áo ra. Mẹ nằm trên xe, truyền nước. Xe được đẩy đi ra ngoài hành lang.

Tôi ngồi đợi gần một tiếng. Thời gian chảy qua lòng bàn tay tôi như một dòng nước tuôn nhè nhẹ, chầm chậm, tưởng chừng như tôi có thể nắm lấy dòng chảy ấy trọn vẹn trong đôi bàn tay của mình.

***

Hà Nội, 6 giờ sáng.

“Alo! Quỳnh đấy à?”

“Vâng! Quỳnh nghe đây.”

“Mình đang ở Bến xe Nước Ngầm... Thành đấy. Thành, ở Quảng Ngãi mới ra”.

“Em nghe”.

“Bây giờ mình chạy lên chỗ của Quỳnh, được không?”

“Anh đang ở Bến xe Nước Ngầm à?... Thế thì anh chạy lên đường Cầu Diễn nhé. Để em nhắn tin địa chỉ đường cụ thể cho anh”.

“Ô-kê Quỳnh! Cảm ơn nhiều nhé!”.

Lần đầu tiên đặt bước chân trên đất Hà Thành, lòng tôi phân vân nhiều điều. Quỳnh là bạn của anh Hoàng, người mà tôi chưa gặp, liệu có ổn không? Hay là tự tôi đi tìm phòng trọ. Làm sao để một người từ quê lên phố, không quen ai, có thể tự tìm phòng trọ an toàn, vừa ý để ở? Nhưng qua giọng nói của Quỳnh, tôi cảm giác như chúng tôi đã từng là bạn thân.

***

“Mẹ anh khoẻ chưa?”. Quỳnh bắt tay, đôi mắt nhìn thẳng vào tôi đầy vẻ tin tưởng. Anh hoàn toàn không biết gì về tôi, sao anh có thể quan tâm tôi như người thân vậy, dựa vào những gì tôi đăng tải trên facebook, anh biết về mẹ tôi, và cả nhân cách của tôi? Điều đó làm cho tôi suy nghĩ, cuộc sống của con người trong thế kỷ facebook này, cách thức con người tương tác nhau, đã thay đổi rất nhiều. Đôi lần tôi nhìn anh trên facebook, giờ mới tận mắt chứng kiến trực nhân, lồ lộ lên là một con người bằng xương bằng thịt, tựa như tôi và anh, hai người vừa từ trong facebook nhảy ra ngoài đời vậy.

“Cảm ơn Quỳnh nhiều. Mẹ mình đã ổn. Vậy là Quỳnh vẫn theo dõi facebook của mình đều đặn ấy nhỉ?” - Tôi cười.

“Đương nhiên rồi anh, thế em mới tự tin gặp anh. Anh đi theo em”.

Quỳnh đi xe Wave, tôi chạy chiếc Janus màu xanh quân đội, chiếc xe tôi mới mua hồi năm ngoái, theo Quỳnh.

***

Quỳnh dẫn tôi đi qua một con đường lớn, một ngõ nhỏ, một hẻm nhỏ, một hẻm nhỏ, đến một hẻm nhỏ. Hà Nội đập vào trái tim tôi những rung động nhẹ nhàng.

Khu trọ nơi Quỳnh ở, có tổng cộng hai mươi bốn phòng, chia thành hai dãy, hai tầng đều nhau, tất cả các phòng trọ đều có người, cả nam cả nữ. Tôi quan sát kỹ khu trọ, cái cảm tưởng trong tôi vẫn luôn là sự bất ngờ, đôi khi chính sự bất ngờ đó làm cho tôi khó hiểu. Vì đâu một người chưa từng quen biết tôi lại dám đưa tôi vào phòng trọ của anh, và trao cả chìa khóa phòng cho tôi?

***

“Vì sao anh lại chọn thi vào viết văn?”.

“Cũng như Quỳnh thôi, Quỳnh cũng rất đam mê sáng tác, đúng không?”.

“Nhưng sống trong thời đại này, viết văn không sống nổi đâu anh. Em chỉ đi làm báo”.

“Thế Quỳnh từ bỏ sáng tác lâu rồi à?”.

“Lúc còn sinh viên thì em có viết, nhưng kể từ khi tốt nghiệp, em chẳng viết được gì. Sau cú sốc vì thấp nghiệp hơn một năm trời, gần như mọi ý muốn lao động chữ nghĩa trong em vụt biến”.

“Cũng đáng để suy nghĩ nhỉ? Mình thực sự rất khao khát viết lách, muốn viết được một cái gì đó có giá trị. Ở quê, vừa lao động chân chính, vừa tự học tự viết, cũng được đăng báo hẳn hoi, nhưng mình thấy chưa thỏa mãn, nên quyết định ra đây.”.

“Em không biết anh thì sẽ như thế nào, riêng với em, bây giờ chỉ tập trung làm báo”.

“Điều đó thật tiếc!...”.

***

Quỳnh đi làm, tôi ngồi một mình trong căn phòng trọ lạ lẫm, suy nghĩ về giấc mơ, khát vọng tự sâu trong chính trái tim mình. Có lẽ nào tôi đã chọn lựa sai?...