Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Truyện ngắn] Kỷ niệm về một màu hoa

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ấy, khi đạp xe theo tường rào công viên Thống Nhất bên Đại Cồ Việt, ông Thể chợt ngỡ ngàng.

Cả một dải tường hoa đủ màu, từ hồng, đỏ, tím thẫm rồi trắng ngà…, thuần một loài hoa giấy đang nở rộ. Mấy cô gái, chắc đến từ Cố Đô, với áo dài tím tha thướt nép mình dưới một vòm hoa đang tạo dáng chụp ảnh. Mà loài hoa đến kì lạ, càng nắng nóng càng nở rộ như muốn bù lại cho con người những gay gắt của ngày hè. Ý nghĩ ấy làm người đàn ông ngót bảy mươi chợt nhớ những ngày cách nay gần nửa thế kỉ trên mảnh đất Quảng Trị đầy nắng lửa…

*****
Những ngày hè đỏ lửa năm 1972, đại đội công binh cầu phà của Thể được giao đứng chân tại cầu Đuồi, một cây cầu sắt bị bom đánh gục với nhiệm vụ mở bến phà dã chiến chở xe, pháo và cả lính tráng qua sông. Đó là thời điểm cuộc chiến đang gay gắt. Trận chiến Thành Cổ đã sang tháng thứ hai.
 Minh họa: An Chi
Cả hai bên đều lấy đây là quyết chiến điểm để giành thế chủ động trên bàn Hội nghị Bốn bên đang diễn ra ở Paris. Cũng bởi vậy mà lượng xe, hàng và người qua bến phà dã chiến phía thượng nguồn sông Hiếu này ngày một nhiều. Gần như đêm nào trung đội của Thể cũng trắng đêm ở bến phà, chỉ về hậu cứ lúc trời tang tảng sáng, khi lũ OV10 đã vè vè trên bầu trời.
Thường thì sẩm tối, sau khi cơm nước đầy đủ, mỗi người lính nhận một nắm cơm cùng ruốc mặn cho bữa ăn đêm. Lính trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ, quần quật sông nước từ chiều muộn đến nửa đêm là 3 - 4 bát B52 cơm với chút thịt hộp, cá khô cùng canh rau tập tàng đã đi đâu cả. Lúc ấy, nắm cơm được phát lúc chiều với chút ruốc mặn thật tuyệt vời.
Vậy mà có lúc, khi dở ra, nắm cơm đã ngấm nước sông vì mải làm, lao xuống nước ghìm phà lúc nào không biết. Chính trong những ngày gian khó ấy, có một sự kiện làm cho cuộc sống của đám lính công binh hầu hết quê Hà Nội thêm niềm vui.
Đó là việc Chính được kết nạp vào Đoàn. Những năm ấy, vào Đoàn là một niềm vinh dự, cần nỗ lực phấn đấu, nhiều khi phải rất kiên trì. Với những người bình thường đã như vậy, với một thanh niên con nhà tư sản như Chính lại càng khó. Không chỉ vướng cái lý lịch, Chính còn bị nhiều người ngại ngần khi tiếp xúc vì cái vẻ thư sinh cùng tính ít nói.
Đã vậy, dù trong hoàn cảnh chiến trường bom đạn tơi bời, anh lính Hà Nội vẫn không quên những chi tiết của nếp sống thị thành. Hễ có dịp là đóng bộ tề chỉnh, quần quân phục gấp phẳng phiu, để dưới chiếu cho thành nếp… Cũng vì thế mà phải ở với nhau lâu lâu, đồng đội mới dần hiểu và thông cảm với Chính.
Hơn ai hết, Thể là người thông cảm chia sẻ với Chính về những khác biệt về tính cách của anh. Là bạn học với nhau từ nhỏ cho đến cấp III, ở cùng phố, lại cùng lên đường nhập ngũ một ngày, Thể biết rõ trong cái dáng vẻ thư sinh, thậm chí hơi công tử của Chính là một trái tim quả cảm, một tinh thần trách nhiệm, trọng danh dự.
Trước những thử thách sống chết, anh chàng có nước da trắng như con gái ấy luôn tỏ rõ sự gan lì, bản lĩnh của một chàng trai Hà Nội. Chưa bao giờ Chính ngần ngừ, kể cả trước những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất. Nhờ vậy mà chỉ qua mấy tháng chiến trường, Chính đã vượt mọi thử thách nhiều khi giữa cái sống và cái chết, để có niềm tin của đồng đội và tập thể hôm nay.
Chiến trường ác liệt không làm giảm niềm vui sống, sự hào hứng của những chàng trai mười chín, đôi mươi. Đám lính Hà Nội không bỏ sót dịp nào để biểu lộ niềm vui sống ấy. Một chuyến thư từ hậu phương, một đợt cấp phát nhu yếu phẩm, một cuộc gặp bất ngờ với người bạn cùng phố… tất cả đều là lý do cho những cuộc vui nho nhỏ, dù chỉ với ấm trà cùng vài ba điếu thuốc. Bởi vậy nên không dễ gì đám lính Hà Nội bỏ qua sự kiện hiếm có này.
Là Bí thư chi đoàn, người bảo đảm cho Chính vào Đoàn, Thể quyết tổ chức lễ kết nạp Đoàn cho Chính thật trang trọng, mà phải đậm chất Hà Nội. Được phép của chính trị viên đại đội, Chi đoàn tổ chức lễ kết nạp tầm nửa buổi sáng, khi anh em vừa lại sức sau một đêm vật lộn ngoài bến phà. Mọi sự đã chuẩn bị đầy đủ. Thể phải lên tận tiểu đoàn mượn về lá cờ Đoàn.
Trên tấm bảng đen rinh về từ trường Tiểu học bị bom đánh sập một góc, Khang - họa sĩ của trung đội đã kẻ trang trọng dòng chữ Lễ Kết nạp Đoàn viên, lại còn đề phía dưới Quảng Trị, 7/7/1972. May làm sao Thể còn giữ được chiếc huy hiệu Đoàn mang từ Hà Nội. Khoản hậu cần cũng khá tươm.
Mới có đợt cấp phát nhu yếu phẩm nên trà, thuốc và kẹo Hải Châu được quyên góp rủng rỉnh. Chính trị viên đại đội vừa công tác ngoài Vĩnh Linh về ủng hộ hẳn một bao Tam Đảo. Thiếu khoản khói thì đã có chiếc điếu cầy ròn tan của Sơn, anh chàng sáng nào khi bò từ hầm lên cũng phải “súc miệng” một hơi thuốc lào, dù sáng nào cũng say đứ say đừ. Văn nghệ thì đã có cây Guitar mượn của một chàng phế binh Quân lực VNCH trong xóm. Nhân ngày vui này, Chính sẽ trổ ngón đàn cổ điển với những Người Hà Nội, Bài ca hi vọng… cùng ngón tremolo sở trường…
Vậy mà Thể vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì. Đúng rồi, hoa. Những dịp thế này không thể thiếu hoa, nhất là với lính Hà Nội. Nhưng kiếm đâu ra. Những ngày tháng Bảy trên đất Quảng Trị chang chang nắng rát và cuồn cuộn gió Lào, cây cối còn như rũ ra vì cả tháng trời không có một giọt mưa, thì hoa nào chịu được.
Nhất là trong cảnh bom đạn tơi bời này. Không bỏ cuộc, cuối cùng Thể cũng tìm được dàn hoa giấy bên tường rào một căn nhà bỏ không ngoài thị trấn. Trong cái nắng tháng Bảy miền Trung, dàn hoa vẫn nở tưng bừng, như thách thức cả đạn bom, nắng lửa.
Những cành hoa giấy tím đỏ được mang về cắm trong cát tút đạn pháo 37. Người đặc biệt xúc động với sáng kiến của Thể là Chính. Anh bảo nhìn bình hoa, chợt nao lòng nhớ nhà, nhớ Hà Nội, nhớ con phố nhỏ của hai đứa nơi có ngôi nhà với vòm hoa giấy thân thuộc, nhớ cái nắm tay vội vã đêm chia tay cô bạn gái dưới vòm hoa khuất ánh đèn đường. Và trưa ấy, trong buổi liên hoan sau Lễ kết nạp Đoàn, ngón đàn dìu dặt của chàng trai Hà Nội cứ thánh thót bên dòng sông Hiếu xanh trong…
*****
Không ngờ đó là lần cuối cùng đồng đội được thưởng thức ngón đàn điêu luyện của chàng trai Hà Nội ấy. Đó là một đêm bến phà dã chiến vắng xe. Mãi đến 11 giờ khuya mới có tiếng máy xe từ mạn Bắc vọng đến, hai chiếc Zin ba cầu, phủ đầy lá ngụy trang, bật đèn gầm từ từ bám đuôi nhau xuống phà. Con phà khẽ rùng mình vì sức nặng của chiếc xe chất đầy hàng hóa. Đúng lúc ấy, một chiếc phản lực soẹt qua, buông loạt pháo sáng.
Người chiến sĩ lái xe, có lẽ là một lính mới, vì bất ngờ mà quên kéo phanh tay trước khi nhảy khỏi ca bin. Khi chiếc xe thứ hai xuống phà, chiếc xe không người điều khiển với hàng tấn hàng theo quán tính trôi về phía trước, có nguy cơ lao xuống sông. Sự việc xảy ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc.
Bất chợt, chiếc xe khựng lại. Ngang tầm bánh trước, một thân người nằm bất động. Chiếc chèn gỗ hình trụ tam giác đã kịp chặn trước bánh xe. Xe hàng được cứu, nhưng với động tác chèn xe quyết liệt ấy, một phần cánh tay người chiến sĩ đã kẹp giữa bánh xe và chiếc chèn gỗ.
Chiếc AD6 sau khi ném loạt pháo sáng bâng quơ, không phát hiện ra bến phà được ngụy trang rất kĩ dưới những thanh dầm sắt của cây cầu đổ cùng hai chiếc xe đầy hàng, lượn một vòng rồi bay ra phía biển. Ca nô nổ máy, dắt phà sang sông. Chính như lịm đi trong tay Thể vì đau đớn và mất nhiều máu.
Suốt từ lúc tỉnh lại cho đến khi được chuyển lên trạm phẫu mặt trận, Chính cứ ngồi lặng im, mắt nhìn chăm chăm vào bàn tay phải dập nát trong lần băng thấm máu. Bạn bè, đồng đội chỉ biết nhìn với những ánh mắt cảm thương, chia sẻ. Lúc chia tay, Thể ôm Chính rất chặt, nói trong nghẹn ngào: Cố lên Chính ơi!
*****
Đã gần năm chục năm trôi qua. Cả hai anh em đã trở về con phố có những căn nhà nép dưới dàn hoa giấy. Mỗi người tiếp tục con đường của mình, cùng chia sẻ những vui buồn của cuộc sống. Chiến tranh đã qua đi nhưng dấu vết của nó vẫn còn đó.
Vết thương buộc ông Chính phải rời xa cây Guitar thân thiết, trở thành giáo viên dậy nhạc tại một trường trung học cơ sở của thành phố. Không từ bỏ tình yêu với âm nhạc, ông nhận dậy đàn cho vài đứa nhỏ.
Và ông Thể, người bạn học, đồng đội năm xưa thường đưa thằng cháu nội đến lớp học đàn của ông Chính, trong căn nhà có chiếc cổng cũ kĩ nép dưới một vòm hoa giấy. Hôm nay, chắc họ sẽ lại nhắc về kỷ niệm của màu hoa giấy năm nào…