Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Truyện ngắn] Tìm

Đỗ Phấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chẳng biết từ bao giờ lão đã không còn nhớ đến khái niệm tìm kiếm. Cuộc đời dạy học chỉnh chu hình như đã rèn luyện cho lão thứ ngăn nắp công chức bé mọn nhưng vô cùng đắc dụng.

Bàn làm việc ở cơ quan là chiếc bàn gỗ cũ kĩ từ thời bao cấp mộng mẹo đã lung lay. Lão giữ nó vài chục năm cho đến tận ngày về hưu mặc kệ các đồng nghiệp đã thay đổi đến vài lần. Lão không tài nào có thể coi chiếc bàn gỗ ép công nghiệp sáng bóng với ngăn kéo chạy ra êm lừ thực sự là một chiếc bàn. Lão vẫn thầm coi nó như một cỗ máy đần độn muôn người như một. Chúng giống nhau đến mức chìa khóa cánh tủ dưới chân bàn có thể mượn nhau mà mở được. Chúng lại còn giống nhau cả những thứ các đồng nghiệp đựng bên trong cánh tủ ấy.
Giấy tờ, sổ sách, vài chiếc bút bi Thiên Long cơ quan phát có chiếc viết không ra mực. Một xấp phong bì trắng phòng khi hiếu hỉ. Chỉ có trên mặt bàn mới biểu hiện cá tính của từng người. Kẻ cẩn thận sắp đặt ngăn nắp nhưng là một thứ ngăn nắp chỉ để nhìn cho sạch mắt. Muốn tìm thứ gì trong mớ ngăn nắp ấy không hề dễ.
 Minh họa: Đào Hải Phong
Kẻ xuề xòa cẩu thả dĩ nhiên bừa bộn đến mức bẩn. Tìm trong đống giấy tờ lộn xộn trên bàn ấy thể nào cũng thấy vài mảnh lá gói xôi kẹp lẫn vào. Kệ thôi. Đồng nghiệp cấp trên cấp dưới ở trong cùng một phòng lương chỉ nhỉnh hơn nhau chút đỉnh chẳng thể nhắc nhở nhau. Đã có lần lão ý tứ hỏi mượn cậu cán bộ trẻ ngồi bàn bên cạnh tờ công văn mới chuyển về phòng. Thực ra là lão muốn nhắc cậu ấy về cái đống bề bộn trên mặt bàn.
Nhưng cậu ta sau một hồi lục lọi mướt mồ hôi mà chẳng thấy. Rồi cũng lờ đi luôn. Lão chỉ giữ cái chức phó phòng còi cọc là chưa đủ để cậu ấy phải tận lực. Và cậu ấy hình như cho rằng mình đủ thẩm quyền với cái đống bề bộn trên bàn mình. Chẳng ai việc gì phải quan tâm.
Chiếc bàn cổ lỗ của lão là vật dụng hết sức thân thương. Nó ra đời từ khi người ta còn chưa có khái niệm về ngăn tủ dưới chân bàn. Lúc ấy, cả phòng có một chiếc tủ đứng lớn đựng công văn tài liệu chung. Bàn làm việc riêng chỉ có một chiếc ngăn kéo. Những hôm ẩm giời là không thể kéo nó ra được. Lão ghi nhớ cái tật ấy của chiếc ngăn kéo đã nhiều năm. Biết hôm nào trời nồm sẽ chuẩn bị sẵn để không phải mở ngăn kéo.
Chỉ một ngăn kéo nhỏ ấy thôi mà chứa đựng hằng hà sa số những vật dụng cần thiết cho công việc. Kể từ vật nhỏ nhất như hộp ghim bấm giấy cho đến dao, kéo, bút, giấy, card visit và gần đây là thẻ nhớ máy ảnh, điện thoại. Tất cả được sắp đặt ngăn nắp đúng vị trí. Đến mức có những hôm mất điện lão vẫn có thể lần tay vào ngăn kéo tìm ra đúng chiếc thẻ nhớ điện thoại nhỏ hơn đầu móng tay.
Cũng không thể thiếu góc trong cùng có một gói tiền nhỏ rất hiếm khi dùng đến. Thực ra món tiền này lão hoàn toàn chỉ dùng vào việc cho anh em đồng nghiệp mượn những lúc cơ nhỡ. Cũng chẳng mấy khi đụng đến. Làm việc lâu với lão người ta còn có thể đọc được chính xác số tiền đựng trong chiếc phong bì mòn cũ. Họ sẽ ước lượng số tiền mình cần để quyết định xem có mượn lão hay không.
***
Ngày nhận tờ quyết định nghỉ hưu của lão là một ngày vui khó tả. Bạn bè cùng cơ quan quây quần xung quanh tổ chức cho lão một tiệc chia tay ra trò. Họ chọn một nhà hàng trong phố cổ êm đềm có cây hoa sữa trước cửa ngào ngạt tỏa hương. Cây hoa sữa vài chục năm lại đây không còn là đặc sản của con đường Nguyễn Du nữa.
Người ta có thể trồng nó ở bất cứ đâu mình thích. Chẳng cứ hoa sữa, cây bằng lăng cũng có chung số phận. Đám trẻ ngoài 30 tuổi bây giờ cũng còn rất ít đứa biết được rằng cây bằng lăng từng là thương hiệu của phố Thợ Nhuộm. Tháng năm, con phố chéo ấy tím ngắt sắc hoa suốt chiều dài nhỏ hẹp như một đường ống tím.
Nhà hàng lịch sự trải khăn bàn kẻ ô với những bàn ghế chân sắt mặt gỗ vuông vắn. Họ biết tính lão không bao giờ muốn ngồi ở những nơi quá sang trọng hơn mức cần thiết. Thực ra với lão là phiền hơn mức vừa đủ. Đại khái muốn hút điếu thuốc khi nâng li cũng phải chạy ra ngoài. Và phiền hơn cả là lúc uống rượu cứ có kè kè bên cạnh một tiếp viên rót rượu.
Mà cái giống tiếp viên tuyển theo thời vụ ấy mười đứa thì có đến chín không biết thế nào là một li rượu rót vừa đủ. Dù chúng có mang li mẫu ra đong vào cốc lớn cùng không đạt. Đã thế, trông họ loay hoay bóc toe toét cái vỏ nút chai ra đã thấy li rượu kém ngon khá nhiều.
Con phố trầm mặc Cao Bá Quát ngày nào đã hoàn toàn mang một gương mặt mới. Những mối tình ngày mới lớn của lão hơn 40 năm trước đã từng diễn ra ở đây dưới những tàng cây rườm rà và vài bóng đèn vàng không đủ soi rõ mặt đường. Bên những gốc phượng già, nhội, xà cừ trên phố hình như có nhiều nụ hôn lão đã từng trao cho bạn gái. Dĩ nhiên, với một con phố có rất nhiều bóng đêm đồng lõa như thế ở Hà Nội thì đám trẻ không chỉ dừng ở mấy nụ hôn…
Giờ thì con phố đã ồn ào náo nhiệt khác thường. Chỉ còn vài cơ quan im ỉm đóng cửa có người gác là vẫn mang dáng vẻ thâm u trầm mặc như ngày nào. Tất cả những nhà mặt tiền đã biến thành cửa hàng lộng lẫy. Nhỏ thì vài điểm dán giấy màu xe máy, ô tô. Lớn hơn là hàng đồ cổ châu Âu và vài quán cà phê chăng đèn nhấp nháy cả ban ngày. Lớn nữa là nhà hàng đặc sản. Gọi là đặc sản thế thôi chứ món ăn chẳng có gì là khó kiếm. Người Hà Nội nhiều năm nay đã không còn coi những thịt cầy, thịt nhím hay tôm hùm, cua bể là đặc sản nữa. Đôi khi chỉ bát canh cua đồng hoặc con vịt luộc đánh tiết canh mới là món được ưa chuộng. Hàng quán tấp nập như thế kéo theo một lượng người không nhỏ đến đây. Lao động thời vụ, dĩ nhiên thế. Khách khứa, xe cộ nườm nượp suốt ngày. Kể cả những tình yêu chai lì nhất phố cũng không còn ai dám thản nhiên cầm tay nhau nghễu nghện đi ngoài đường.
Hôm nay lão được các đồng nghiệp đề nghị thay mặt cả đoàn “đi chợ”. Những ý nghĩ đến ngay trong đầu. Giờ đã là cuối năm. Chỉ còn ít hôm nữa là đến Tết. Đây rất có thể là cái Tết cuối cùng của lão bên các đồng nghiệp. Trong tất cả các loại bạn thì bạn cơ quan tỏ ra có độ bền vững kém nhất. Kẻ quyền chức thét ra lửa chẳng bao giờ có bạn cơ quan kể cả lúc đương chức lẫn khi về hưu.
Kẻ lẹt đẹt quan trường thường tự ti nên chẳng gặp lại đồng nghiệp cơ quan làm gì. Những người khác cũng không còn nhiều lý do để gặp gỡ khi đã nghỉ việc. Họ gắn kết với nhau chỉ vì công việc là thứ duy nhất. Hết việc âm thầm chia tay. Và thành phố bây giờ nếu không muốn gặp ai thì chỉ cần đừng có hẹn. Bảo đảm mười năm cũng không bao giờ bất chợt gặp ngoài đường.
Ý nghĩ đến và lão thực hiện tức thì. Gọi tiếp viên, lão dặn dò những món ăn ngày Tết. Giò chả, nem rán, nem nắm, măng hầm chân giò, bánh chưng, gà luộc, miến nấu lòng gà. Tất nhiên, những món quá khó như canh mọc, thịt đông hay xào bóng thì rất hiếm nhà hàng làm được. Đám bạn cơ quan nhiệt tình ủng hộ. Bữa tiệc vui vẻ cho đến giọt rượu cuối cùng.
***
Thực ra thì lão đã chuẩn bị một kế hoạch dài hạn cho việc nghỉ hưu từ vài năm nay rồi. Thằng bạn ngày còn học đại học vài tháng trước đã gọi điện mời lão đến chơi nhà mới. Với cơn lốc tậu nhà mới và mừng tân gia vài năm nay lão đã quá chán ngán việc phải đến thăm ai đó chỉ vì căn nhà mới.
Đầu tiên là thằng bạn cùng phố cứ vài tháng lại mời lão dự tân gia một lần. Đến cuộc thứ tư thì lão đành phải thẳng thừng từ chối. “Ông làm nghề buôn bán bất động sản thì cứ làm, việc gì phải mời tân gia cho bận bịu”. Thằng ấy chống chế “Nhưng cái vía của ông khiến cho tôi buôn bán rất trôi chảy, tại sao lại không mời ông kia chứ?”.
Nhà mới của thằng Cường nằm mãi tít trong khu đô thị Mỗ Lao - Hà Đông. Vài chục năm trước vùng ấy vẫn còn là ruộng lúa xanh rì. Giờ đã biến thành một ngôi làng có cái tên đẳng cấp: “Làng Việt kiều châu Âu”. Đến một chỗ lạ bên ngoài bốn khu phố nội thành ngày trước là việc lão ngần ngại vô cùng. Nhưng nể tình thằng Cường là bạn học thân thiết. Nó đương nhiên không phải loại tầm phào như đám bạn cơ quan.
Chẳng gì lão và nó cũng từng ăn chung một rá cơm ở kí túc xá nhà trường. Rá đựng cơm cho sáu thằng ăn chung đã chan sẵn canh ở nhà bếp mang về nước vẫn chảy lòng thòng. Ăn xong lấy chiếc thìa duy nhất quay tròn dưới đất xem cái cán nó chĩa vào ai thì thằng ấy phải đi rửa cái rá.
Thằng Cường sau vài chục năm phiêu bạt trời Âu nghe ra có vẻ đã trở thành đại gia. Không thế lấy đâu ra tiền mà ở một nơi khủng khiếp đến cả từ cái tên gọi như vậy. Lão cẩn thận gọi xe taxi hòng mong muốn cánh lái xe thuộc đường sẽ dẫn đến tận nơi.
Phải vượt qua con đường Lê Văn Lương uốn éo dài lõng thõng với hàng trăm cao ốc như một rừng bê tông chưa hoàn thiện. Có thể nói cái rừng bê tông ấy còn kín đặc hơn cả vùng trung tâm New York. Có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới được chứng kiến lòng tham của con người đậm đặc đến như vậy. Gần mười giờ sáng, con đường vẫn tắc nghẹt khi vừa rời khỏi thành phố.
Nhưng đến “Làng” rồi mới biết mong muốn của mình là vô vọng. Đường ngang ngõ tắt không tên trong “làng” thông cả sang những “làng” khác mà chẳng có ranh giới nào cả. Trong tay chỉ có mỗi cái tin nhắn của thằng Cường: “Căn số 25, Biệt thự lô C1”. Riêng cái Lô C1 ấy cậu taxi đã phải vòng vèo cả nửa tiếng đồng hồ để tìm cho ra căn số 25 mà không nổi. Và chẳng thể hỏi ai. Họ cũng đều là người lạ.
Cái tên thằng Cường ở đấy chẳng nói lên điều gì bởi có đến hàng chục ông Cường cũng ở đấy kể cả ông Nam Cường là chủ đầu tư con đường Lê Văn Lương mới mở. Và bấm chuông nhà biệt thự mà không phải bạn mình dĩ nhiên gặp ánh mắt đầy nghi ngờ cảnh giác của người mở cổng.
Nhưng rồi cuối cùng thì với bản năng của một thị dân lâu đời, lão cũng biết cách tìm bằng được nhà bạn. Lão bảo taxi cho lão đến ngã ba đường rộng lớn trước khi rẽ vào những ngoằn ngoèo. Xuống xe, lão bấm máy dõng dạc: “Tao đang đứng ở ngã ba lớn có mấy chiếc thùng rác màu xanh”. Thằng Cường tíu tít “Cứ đứng nguyên đấy nhé, tao ra đón”.
Lão đứng nguyên đấy dõi mắt về hai ngả rẽ hòng tìm kiếm cái dáng lòng khòng quen thuộc của thằng Cường. Nhưng lão đã nhầm. Chẳng có cái dáng lòng khòng nào trên con đường thênh thang ngầu bụi đỏ. Một chiếc xe Land Cruise đen bóng đỗ xịch bên mình. Một mái đầu chải gôm mượt mà ló ra sau ô kính ghế phụ vừa kéo xuống: “Lên xe đi!”
. Lão ngạc nhiên mất vài giây rồi cũng chợt hiểu. Đại gia thì không thể đi bộ. Và đi xe thì phải có người lái. Chẳng biết khi ở châu Âu thì thằng Cường có phải đại gia hay không? Chỉ biết rằng khi lão sang châu Âu vài năm trước thấy các triệu phú bản xứ vẫn tự mình lái xe đi làm.
Tất nhiên lão không có nhiều thiện cảm với cái tên làng. Đó cũng chỉ là những kiến trúc dập khuôn ở một nơi nào đó nhân rộng ra hàng loạt. Nhà cửa giống nhau đến cả màu sơn và cây cối trồng đại trà như nhau. Chẳng những không nhìn thấy rặng tre, giếng nước, sân đình như một cái làng điển hình Bắc Bộ mà nó còn thiếu vắng ngay cả một thứ căn bản nhất để làm nên một ngôi làng. Đó chính là dân làng.
Ở đây hoàn toàn là dân phố kéo nhau về ở. Gọi một ai đấy là dân làng có thể còn bị cho là xúc phạm người phố. Dân làng từ ngàn xưa hầu như biết rất rõ về nhau đến ba đời. Dân phố chẳng cần biết tên ông hàng xóm để làm gì. Là làng mà không phải là làng mà lại là làng! Bất giác lão nhớ đến câu đố hơn nửa thế kỷ trước sơ tán về các vùng quê lũ trẻ vẫn đố nhau “Mồm bò mà không phải mồm bò mà lại là mồm bò”.
Bọn chúng giải đố cho lũ trẻ Hà Nội sơ tán rằng đó chỉ là con ốc thôi. Hình như có chút liên hệ mơ hồ nào đó với cái tên làng ở đây. Những người định cư nơi này hẳn đã quen với khái niệm một ngôi làng châu Âu là thế.
Vào tiệc, lão lại phát hiện ra một câu chuyện nữa về cái làng Việt kiều này. Thực ra chỉ có thể gọi là làng Việt kiều Đông Âu mà thôi. Tiệc bày ra thấy Đông Tây kết hợp nhiều món khá lạ mắt. Trứng cá hồi Nga với bánh mì đen. Cá khô ngâm dầu Astrakhan và cọng tỏi muối. Salat trộn mayonaise với những quả trứng luộc cắt hình răng cưa.
Rượu thì lại toàn một thứ vodka Ba Lan cọng cỏ thời suy thoái. Mùi vị gắt đến suýt hắt hơi. Kèm theo hai món lạ nhất trong mâm cỗ là bát giả cầy nhựa mận và những con tôm sú tẩm bột rán xù xì. Vậy mà cũng khề khà hết đến ba chai.
***
Có đi ra khỏi khu phố cổ mới biết. Lão vẫn thầm cảm ơn thằng Cường như thế. Không có nó chẳng biết đến bao giờ lão mới quay lại mảnh đất Hà Đông từng đến hơn bốn chục năm trước. Những hình ảnh còn lưu giữ trong kí ức của lão hoàn toàn là một vùng quê yên ả với con sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bùi hiền hòa rất nhiều cá tôm. Những biển lúa vàng sóng sánh kéo dài đến tận chân dãy núi đá vôi mạn Hòa Bình.
Tháng Bảy, từng đàn cồ cộ bay từ phía Hòa Bình về đậu thân cây cau kêu như bê con lạc mẹ. Mùa gặt, đàn chim chèo bẻo có chiếc đuôi dài vắt vẻo trên những ngọn phi lao huyên náo tranh mồi. Giờ chúng biến mất như chưa từng có mặt trên đời. Nhà cửa của những đô thị vệ tinh Hà Nội kéo dài lên mãi tận Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng… Nhấp nhô, gồ ghề xanh đỏ, thế nhưng kí ức của lão bằng phẳng hoàn toàn không một vết gợn.
Ý nghĩ vân vi về những vùng kí ức chưa xa dẫn dắt lão đến với một vùng quê rất gần. Cũng vài chục năm không đi đâu ra đến vùng làng Cót, Yên Hòa ấy nữa. Vài năm nay chỉ nghĩ đến thôi đã thấy ngại. Ngại cảnh tắc đường ở cái nút cổ chai Cầu Giấy. Ngại dòng sông Tô Lịch bốc mùi phế thải lọng óc. Ngại khói bụi của hàng vạn chiếc xe chưa bao giờ tuân theo một tiêu chuẩn khí thải nào trên thế giới.
Lũ trẻ Hà Nội những năm “68 sau vài năm đi sơ tán xa nhà hầu như các gia đình đều kiệt quệ. Cả về sức lực và tiền bạc. Lúc ấy trong phố vẫn chưa mở lại trường học. Các gia đình đành phải tự túc mang con về xin học ở các trường làng ngoại thành. Phía Bắc thì lên các trường Xuân Đỉnh, Phú Thượng… Phía Tây có các trường Yên Hòa, Trung Hòa. Phía Nam phải kéo nhau xuống mãi tận Ngọc Hồi, Văn Điển mới có trường mở.
Xin được một suất học trường làng cũng không phải chuyện dễ. Cậy cục cầu cạnh vô khối quen thân mới mong được nhận. Nhà đông con có khi còn phải chia ra nhiều trường bởi mối quen thuộc của phụ huynh là không đủ xin cùng trường. Sáu tuyến tàu điện trong phố và xe bus là phương tiện chính để lũ trẻ đi học hàng ngày. Lão được học ở trường cấp II Yên Hòa. Đi xe điện bến Bờ Hồ vào đến tận ga cuối cùng Cầu Giấy vẫn còn phải đi bộ hơn 1km nữa mới đến lớp.
Lớp học nằm bên cạnh dòng sông Tô Lịch trong veo rậm rì cỏ dại. Mùa mưa nước đầy đục ngầu. Loáng thoáng trên mặt sông là những chiếc vó bè cần mẫn ngày đêm bắt cá. Tuyệt chẳng bao giờ thấy mùi xú uế bay vào lớp. Những hôm trống tiết lũ trẻ còn có thể kéo nhau ra sông bơi lội ì õm. Nghỉ học những tiết cuối cùng nhiều thời gian hơn có thể kéo nhau về hồ Thủ Lệ nhảy bông nhông từ chiếc cầu cong veo xuống mặt hồ trong vắt.
Những hôm tàu mất điện, lũ trẻ tản ra đi về Hà Nội khắp các ngả Kim Mã, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê… Tất cả các ngả đường đều chẳng thiếu gì trò chơi, phong cảnh lí thú. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy kí ức ùa về thúc giục.
Đổ đầy bình xăng, lão nhũng nhẵng phóng vào Cầu Giấy. Ngày mưa, rất may cho lão là con đường không đến nỗi chen chúc. May hơn nữa, dòng sông Tô Lịch một màu đục ngầu như mong muốn. Không còn cái màu đen đặc quánh bốc mùi như mọi ngày. Con đường vào làng Yên Hòa xưa đã được trải nhựa khang trang.
Nhà cửa mọc lên ngút tầm mắt. Chẳng còn đâu những phân xưởng làm giấy bản và nhuộm giấy màu với cái mùi ngâm bột giấy uể oải chua như xưa nữa. Có vẻ như khu vực này bây giờ thịnh hành nghề giặt là quần áo chăn màn với những cửa hiệu sáng trưng.
Những con đường đã được quy hoạch lại lạ lẫm đến không còn dấu tích. Chẳng thể nhận ra đâu là nơi ụ pháo phòng không năm xưa ở cuối làng Yên Hòa gần với hiệu bộ của trường Yên Hòa cũ. Cô bạn cùng lớp ngày ấy có ngôi nhà ven đường làng thuộc loại nguy nga nhất chẳng biết bây giờ ở đâu.
Chỗ ngôi nhà gỗ năm gian hai chái ngày xưa giờ là một biệt thự kín cổng 9cao tường có tiếng chó becgie hầm hừ sau cánh cổng sắt. Cổng thì cao và kín mít đến không lọt sáng. Chỉ mong cô ấy vẫn là chủ nhân của con becgie này.
Vui chân lão phóng xe sang đường Bưởi ngược mãi lên tận bờ sông. Cũng chẳng còn dấu tích gì như ghi nhớ của lão. Cái làng Nhật Tân ngày nào lão cùng với thằng bạn còn vứt xe đạp ở đấy ra Hồ Tây câu cá cũng biến mất. Lão chẳng thể nhớ ra cái hàng rào ô dô nhà nó ở vào chỗ nào trên con phố có tên là Nhật Tân bây giờ.
Thằng bạn cũng đã nhiều năm không gặp. Sau khi bán hết hai vườn đào rộng lớn ra mãi tận khu đô thị Ciputra nghe nói nó cũng đã trở thành đại gia mất rồi. Lão vẫn nhớ cái dáng gầy guộc cao lồng ngồng của nó ngồi trong căn buồng xép chuẩn bị những chồi đào để ghép cho mùa Tết sau. Chẳng biết khi trở thành đại gia thì nó còn lồng ngồng thế không?
Nhưng thôi, là cứ nghĩ vân vi như thế. Kí ức nào mà chẳng đến lúc phải phai nhạt. Sẽ có ngay một trời kí ức khác thay vào. Đẹp hay xấu thì cũng chính những người làm nên kí ức ấy thụ hưởng mà thôi.
Hà Nội 12/2019