Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị công tác truyền thông về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP cần có hệ thống, truyền thông không khéo thì xã hội sẽ nhìn nhận ở TP Hồ Chí Minh dịch bệnh tràn lan.
Ông Trần Lâm Hồng đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh phản ánh, việc vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn, do quy định thiếu đồng bộ của các địa phương. Một số tỉnh quy định, tài xế lái xe chở hàng từ TP Hồ Chí Minh đến địa phương phải có xác nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 và giấy xác nhận chỉ có giá trị 72 giờ. Vì vậy Liên hiệp Hợp tác xã TP hiện nay bị thiếu hụt nguồn tài xế và người theo xe đáp ứng các quy định này một cách nghiêm trọng.
Còn ông Nguyễn Đặng Chiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm cũng có phản ánh tương tự. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu quy định tài xế lái xe chở hàng từ TP Hồ Chí Minh đến địa phương phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19 và giấy xác nhận chỉ có giá trị trong 72 giờ. Tỉnh An Giang còn cực đoan hơn, quy định giấy xác nhận âm tính của tài xế và phụ xe chỉ có giá trị trong 24 giờ.
Đặc biệt ông Trần Việt Anh – Công ty Nam Thái Sơn phản ứng gay gắt với quy định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc cách ly 21 ngày đối với người đến từ TP Hồ Chí Minh. “Thông báo chống dịch của Đồng Nai là không thể chấp nhận. Đây là lần thứ 2 tỉnh Đồng Nai có quy định như vậy. Năm 2020, họ cấm phà, công nhân từ tỉnh Đồng Nai đi làm ở TP Hồ Chí Minh phải đi vòng rất xa hoặc phải đi qua đò ngang nhỏ. Các quy định này tạo ra tâm lý hoang mang, hình ảnh không đẹp... phải khắc phục không lập lại. Quy định của tỉnh Đồng Nai cũng tạo ra vô số tác động lên doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. 60% hàng hoá xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh qua cụm cảng Thị Vải, Cái Mép, muốn đến cảng phải qua Đồng Nai...”.
sau khi nghe phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: "Qua phát biểu của các vị, tôi thấy công tác truyền thông cần hệ thống hơn. Tính đến ngày 6/6 trên địa bàn TP có 640 trường hợp nhiễm bệnh 433 trong cộng đồng, 207 trường hợp nhập cảnh. 268 điều trị khỏi, 1 bệnh nhân tử vong, 371 bệnh nhân điều trị. Truyền thông không khéo thì xã hội nhìn nhận TP tràn lan dịch bệnh".
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng thông tin thêm, TP đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 trên diện rộng. TP huy động sinh viên trường y, hình thành các tổ lấy mẫu xét nghiệm, bình quân là 50.000 mẫu ngày. Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trong các khu công nghiệp. Doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, đây là đối tượng ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm. Tiền ngân sách chi cho mua testkit, một ngày là 7 tỷ đồng.
"TP đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung vaccine, đã đàm phán với tổ chức cung cấp. Vaccine của hãng Astra Zeneca TP được phân bổ 1,6 triệu liều, vẫn còn thiếu 5,6 triệu (chỉ tính người trên 18 tuổi). TP chú trọng vaccine của hãng Moderna, có thể tiêm cho đối tượng 12 tuổi. TP phấn đấu cuối năm 2021 tiêm vaccine cho 2/3 dân số. TP rất chủ động, vaccine là vấn đề căn cơ phòng chống dịch", ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm,.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng thông tin, trên địa bàn TP, xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc bệnh, trong đó nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, với tổng cộng 404 trường hợp dương tính liên quan đến ổ dịch này. Dù không mong muốn nhưng TP đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 từ 00 giờ ngày 31/5 năm 2021. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4; nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.