Hội thảo được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022) với sự tham gia của nhiều học giả, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý và đại diện các trường Đại học, THPT trên địa bàn TP.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đông Đô cho biết: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu nói rất sâu sắc: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Điều này thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của nhà giáo và nghề dạy học trong tiến trình lịch sử của dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Dạy học là một nghề đặc biệt vinh dự. Nhà giáo là những người mang ngọn đuốc trí tuệ và nhân phẩm của các thế hệ trước truyền lại cho những người chủ tương lai của đất nước. Nhà giáo là người khai tâm, khai trí cho mọi cuộc đời. Người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy lòng nhân ái, dạy đạo làm người.
Nhà giáo luôn luôn đứng ở trung tâm của cuộc chiến đấu vì một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, dân tộc và khoa học. Các nhà giáo Việt Nam là những người đi tiên phong và quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, giáo dục đào tạo càng có vị trí đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Thành công trong giáo dục đào tạo là đảm bảo vững chắc cho thành công của công cuộc đổi mới đất nước, là bệ phóng cho con tàu Việt Nam cất cánh trong thế kỷ mới.
TS Võ Thế Quân bày tỏ: Tôn sư trọng đạo luôn luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, một tình cảm và phong tục tốt đẹp từ lâu đời của mỗi người Việt Nam ta. Học trò tôn kính thầy giáo, xã hội và cha mẹ học sinh kính trọng thầy giáo và nghề dạy học đó chính là giá trị tinh thần và ý nghĩa cao quý của nghề dạy học.
Vinh quang của nhà giáo hoá thân trong thành đạt của các thế hệ học trò. Trồng cây 10 năm, trồng người 100 năm, giáo dục mỗi con người trở thành công dân tốt cả về phẩm chất và năng lực là một quá trình liên tục, bền bỉ không ngừng của nhà trường, gia đình và xã hội.
"Văn hóa và giáo dục là hai lĩnh vực đan xen, bổ sung cho nhau, trong đó giáo dục là nền tảng của văn hóa. Giáo dục là nơi thực hiện sự bồi đắp, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác"- TS Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đông Đô bày tỏ.
Tại Hội thảo, với sự tâm huyết và trách nhiệm, các nhà giáo lão thành, nhà quản lý gồm: GS Nguyễn Như Ý (nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam), GS Phong Lê (Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam), PGS Đặng Quốc Bảo (nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt); PGS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Vì mọi người).... đã đóng góp nhiều tham luận giá trị về một số chủ đề: Minh triết giáo dục Hồ Chí Minh; Nghĩa vụ- trách nhiệm của người thầy Việt: Từ truyền thống đến hiện đại; Triết lý giáo dục về người thầy trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam; Bàn về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”; Xây dựng Nhà giáo hạnh phúc- thông minh; tấm gương các nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu….
Với hai phần tham luận và thảo luận, các nhà quản lý, nhà giáo lão thành, thầy cô giáo đã cùng nhau phân tích khách quan, khoa học để nhận diện đúng truyền thống Tôn sư trọng đạo trong dòng chảy Văn hóa Việt, nội hàm của truyền thống đó trong các giai đoạn lịch sử từ quá khứ đến hiện đại cũng như những thách thức và cơ hội đối với nhà giáo hiện nay.
6 kiến nghị để đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ, giáo viên
Sau khi nghe các tham luận và phát biểu, các thành viên tham gia Hội thảo nhất trí gửi tới Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ 6 nội dung kiến nghị:
Thứ nhất là, có kế hoạch tổng kết 10 năm (2013-2023) thực hiện Nghị quyết 29 từ cơ sở đến các cấp để đánh giá đúng, khách quan những việc đã làm được, những bất cập và những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để Nghị quyết 29 tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới, chấn hưng nền Giáo dục Việt Nam.
Thứ hai là, đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023-2024 để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho đội ngũ nhà giáo thực hiện sứ mệnh vẻ vang đối với Tổ quốc và Nhân dân.
Thứ ba là, tăng lương cơ sở và nâng mức lương khởi điểm cho giáo viên để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp vào ngành giáo dục.
Thứ tư là, thực hiện chương trình xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên (CBGV) vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cuộc sống cho CBGV yên tâm công tác tại các vùng khó khăn của đất nước; cần đặt mục tiêu trong năm 2023-2024 hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên.
Thứ năm là, dành tỉ lệ hợp lý nhà ở xã hội cho giáo viên cơ hữu các trường ngoài công lập để ổn định cuộc sống.
Thứ sáu là, về kế hoạch dự kiến chi 3.500 tỷ đồng mua SGK cho 70% học sinh cả nước: Bộ GD&ĐT nên xem xét dành một phần kinh phí để mua SGK cho học sinh các vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo; còn lại ưu tiên dành kinh phí cho những vấn đề cấp bách hiện nay trong giáo dục: Xây nhà công vụ cho giáo viên, trường học cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; tiến tới xóa các phòng học tranh tre nứa lá, nhà ở công vụ tạm bợ ở các địa phương.