Theo đó, dự kiến thời gian tổ chức khám cho nhân dân từ ngày 16 đến 20/8 sau khi nước đã rút và các địa phương đã được tổng vệ sinh môi trường. Điểm khám tại các trạm y tế của 3 xã; khám tại xã Tân Tiến 2 ngày, xã Hoàng Văn Thụ 2 ngày và xã Nam Phương Tiến 3 ngày. Tránh để nhân dân phải chời đợi, các xã sẽ tổ chức khám theo thôn và mời đối tượng theo các giờ trong ngày, mỗi buổi khám không quá 200 người.
Đồng thời, để các buổi khám diễn ra hiệu quả, TTYT huyện yêu cầu các xã cần chỉ đạo đài truyền thanh xã tăng cường tuyên truyền, thông báo lịch khám cho người dân các thôn bị ngập úng nặng, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo lãnh đạo các thôn viết giấy mời, thông báo đến từng hộ gia đình về thời gian và địa điểm khám; chỉ đạo các trạm y tế xây dựng kế hoạch tổ chức khám, tổ chức sắp xếp quy trình khám hợp lý, khoa học; bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm khám
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung yêu cầu, các bệnh viện, TTYT, trạm y tế phải đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc thiết yếu, thuốc phải đảm chất lượng để phục vụ người dân. Các đoàn khám phải đảm bảo đúng quy định về nhân lực, các y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, đồng thời, cần huy động các nguồn nhân lực khác như đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội… tại địa phương cùng tham gia hướng dẫn, đảm bảo an ninh trật tự.
Đồng thời, TTYT huyện phối hợp với TTYT Dự phòng Hà Nội, các trạm y tế xã trên địa bàn phải tổ chức tổng vệ sinh môi trường chung các xã trên địa bàn, đặc biệt đối với các xã ngập úng nặng nước rút đến đâu phải vệ sinh môi trường ngay đến đó; phải phun hóa chất khử khuẩn môi trường, các hộ gia đình bị ngập úng, thau rửa các giếng nước để đảm bảo người dân có nước sạch để sử dụng.