Thật vậy, đó là nỗ lực cải thiện quan hệ hai bên, đồng thời giúp Iran nhận lại được số tiền lên đến 6 tỷ USD đang bị phong tỏa.
Theo Washington, 5 tù nhân Mỹ đã rời khỏi Tehran, Iran trong chuyến bay hôm 18/9, đây là sự trao đổi để Chính phủ Iran nhận lại 6 tỷ USD bị phong tỏa tại Hàn Quốc do các lệnh cấm vận của Mỹ.
Theo hãng tin AP, chuyến bay Qatar Airways chở người 5 người Mỹ và các thành viên gia đình họ đã cất cánh tại Sân bay Quốc tế Mehrabad, Tehran trên hành trình trở về đất Mỹ.
Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Iran cũng xác nhận máy bay đã rời khỏi Tehran.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết Iran và Mỹ sẽ trao đổi tù nhân vào ngày 18/9 sau khi khoản tiền 6 tỷ USD bị đóng băng ở Hàn Quốc được chuyển đến Qatar. Hiện toàn bộ tiền mặt cho cuộc trao đổi này đang ở Qatar.
Tương tự, 5 tù nhân Iran bị giam giữ ở Mỹ cũng sẽ được thả cùng ngày.
Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc - nước trung gian đối thoại giữa Tehran và Washington - cho phép chuyển đổi tài sản bị phong tỏa từ đồng won sang euro và chuyển đến Qatar càng củng cố niềm tin về cuộc trao đổi tù binh giữa các bên.
Số tiền 6 tỷ USD là tiền Hàn Quốc mua dầu của Iran mà chưa thanh toán vì liên quan đến các lệnh trừng phạt do Cựu Tổng thống Donal Trump áp vào năm 2019 đối với các chương trình hạt nhân của Tehran. Mỹ cho biết số tiền này chỉ có thể được sử dụng cho mục đích nhân đạo, như thuốc men và thực phẩm.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở Vịnh Ba Tư nhằm bảo vệ các tàu thương mại ở eo biển Hormuz, nơi 20% tổng lượng dầu vận chuyển đi qua.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng khiến Tổng thống Joe Biden phải hứng chịu những chỉ trích từ đảng Cộng hòa khi cho rằng Iran vẫn đang là mối nguy lớn đối với quân đội Mỹ và các đồng minh Trung Đông.
Theo Washington, 5 tù nhân Iran bao gồm Siamak Namazi, người bị bắt giữ vào năm 2015 và sau đó bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp; Emad Sharghi, một nhà đầu tư mạo hiểm bị kết án 10 năm; và Morad Tahbaz, một nhà bảo tồn người Mỹ gốc Anh và Iran, bị bắt năm 2018 và cũng nhận bản án tương tự. Danh tính của tù nhân thứ tư và thứ năm vẫn chưa được quan chức Mỹ tiết lộ.
Tehran lại cho rằng những tù nhân của nước này bị giam giữ ở Mỹ do cáo buộc liên quan đến nỗ lực xuất khẩu nguyên liệu từ Mỹ sang Iran.
Nhiều cuộc trao đổi tù binh
Trong lịch sử, Iran và Mỹ đã nhiều lần trao đổi tù nhân. Có thể kể đến vụ khủng hoảng con tin Iran vào năm 1979 khi 56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị quốc gia Trung Đông này bắt làm con tin trong suốt 444 ngày, hay vụ trao đổi gần đây diễn ra vào năm 2016 khi Iran đạt được thỏa thuận về hạn chế chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Iran đã từng nhận nhiều chỉ trích do nhắm mục tiêu vào những người có hai quốc tịch. Phương Tây cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này sử dụng tù nhân nước ngoài làm con bài chính trị, nhưng Tehran bác bỏ điều này.
Các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân đã chững lại sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Từ đó, hàng loạt vụ tấn công và bắt giữ tàu do Iran gây ra khiến căng thẳng gia tăng.
Hiện Iran đang ra sức làm giàu các kho vũ khí hạt nhân và theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc, nước này có đủ uranium để sản xuất bom hoặc thậm chí một thời gian nữa có thể sẽ gắn vào tên lửa vì mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, theo tình báo Mỹ, Iran không theo đuổi việc chế tạo bom nguyên tử.